Chuyện về doanh nhân Đoàn Nguyên Đức
Ai cũng biết, ông Đức đi lên từ nghèo khổ nhưng thủa hàn vi của ông như thế nào thì vẫn còn là ẩn số.
Mơ về một mái nhà nhỏ
Ai cũng biết, ông Đức đi lên từ nghèo khổ, giống như bao doanh nhân thế hệ của ông, sinh ra và lớn lên trong thời đất nước chưa đổi mới. Nhưng thủa hàn vi của ông Đức như thế nào thì vẫn còn là ẩn số.
Trong một lần đưa các phóng viên đi thăm khu làng tái định cư cho người dân tỉnh Attapeu (Lào), nơi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư hàng chục nghìn héc-ta cao su, ông Đức chỉ vào một ngôi nhà tái định cư một trệt, một lầu, rộng chừng 20m2 và nói: “Một ngôi nhà như thế từng là mơ ước của tôi”.
Mơ ước giản dị vậy thôi, nhưng thử điểm lại những việc ông Đức đã làm, đều thấy đó là những việc làm “vô tiền khoáng hậu” ở Việt Nam, từ phát triển thành công thương hiệu từ bóng đá, mở học viện đào tạo bóng đá, đến trồng cao su diện tích lớn (có thể là lớn nhất trên thế giới), rồi đến hạ giá bất động sản, bán toàn bộ dự án bất động sản lấy tiền làm nông nghiệp, nuôi bò quy mô lớn… Giờ đây, khi ông đã bước vào độ tuổi “phải năn nỉ vợ cho làm việc thêm 5 năm nữa”, dư luận vẫn đang đặt câu hỏi rồi đây ông sẽ còn gây bất ngờ gì nữa.
Trước đây, khi nghe ông nói về những dự định sẽ làm, dư luận hay cho rằng ông nổ. Chuyện đến tai ông, ông chỉ bảo rằng, Hoàng Anh Gia Lai thường làm những điều chưa ai làm, nên khi nói ra có dư luận không tốt cũng là điều bình thường.
Chỉ có niềm yêu thích làm việc
Ông Đức thường khẳng định, chỉ có niềm yêu thích làm việc và làm việc. Ngoài công việc, ông đầu tư cho bóng đá vừa để thỏa mãn sở thích, nhưng cũng lại là vì công việc.
Nghe ông nói thế, không ít người tỏ ra hoài nghi, có người còn cười bảo: “Lại nổ rồi!”. Nhưng có mặt trong những chuyến đưa các nhà đầu tư đi thăm dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu (Lào), mới có thể hình dung về cường độ làm việc của ông. Trong những chuyến đi ấy, ông Đức thường trực tiếp lái xe đi giữa rừng cao su rộng hàng chục nghìn ha. Sở dĩ ông có thể thuộc những đường rừng không có biển báo này là bởi ngay từ ngày đầu, ông là người tham gia mở đường và thời gian ông ở rẫy nhiều hơn ở nhà.
Những người có dịp đến Attapeu thuở Hoàng Anh Gia Lai chưa đầu tư vào, vẫn còn là tỉnh nghèo nhất nước Lào, đường sá đi lại khó khăn, người dân sống chủ yếu bằng nghề săn bắt, hái lượm…, mới thấy hết công sức mà ông Đức đổ vào đây để trồng hàng chục ngàn héc-ta ca su, làm hàng chục ngàn km đường, xây trường học, bệnh viện, nhà ở cho người dân và thậm chí làm hẳn sân bay.
“Tôi thật sự thán phục!”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty THHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã thốt lên như vậy khi đến Attapeu. Không ít doanh nhân trong lĩnh vực đầu tư tài chính cũng đã phải ngả mũ trước Bầu Đức.
Hỏi chuyện các nhân viên của Hoàng Anh Gia Lai, họ thường nói về ông dưới cái tên thân mật – anh Ba. “Có khi nửa đêm xuống nông trường, anh Ba gọi giám đốc nông trường ra hỏi công việc mà trả lời lơ tơ mơ là chết. Làm việc với anh Ba là người thật việc thật, làm ra làm”, họ nói về phong cách làm việc của ông như vậy.
Thân thiện với báo chí
Nổi tiếng, thành đạt và thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng với khuôn mặt “khó đăm đăm”, nhưng ông Đức là người dễ gần, nhất là với giới truyền thông.
Sau các buổi đại hội cổ đông, các sự kiện lớn, vẫn thấy ông trong vòng vây của họ. Những lúc ấy, ông thường trả lời tất cả các câu hỏi của giới báo chí một cách chi tiết, không ngoại giao, không mấy khi khó chịu khi phải trả lời câu hỏi lặp lại của người đến sau.
Ngay cả trong các chuyến đi công tác xa, trong thành phần khách tham dự có cả khách VIP, ông Đức vẫn luôn dành thời gian hỏi thăm các nhà báo một cách chân tình. Có khi ông ngồi nán lại sau giờ ăn để chia sẻ với họ các câu chuyện làm ăn, niềm say mê của ông từ cao su cho đến mía đường hay trồng bắp, nuôi bò...
Cách đối nhân của ông Đức thể hiện đúng những gì mà ông từng nói: “Tôi cho rằng, con người ta sinh ra ai cũng có ước mơ riêng và mỗi người lại đảm nhận các công việc khác nhau. Người thì làm công tác từ thiện, tham gia hoạt động sản xuất, người thì làm kỹ sư, bác sĩ, sáng tác nhạc, hay nghiên cứu khoa học… Dù đảm đương công việc gì đều tham gia cuống hiến sức mình cho sự phát triển của xã hội. Tôi cho rằng, họ thành công và đều được coi là giàu có: giàu tiền bạc, giàu trí thức hoặc giàu vốn sống… Tôi chưa bao giờ phân biệt ai giàu, ai nghèo, người nhiều tiền hay người ít tiền. Người nhiều tiền chưa chắc đã phải là giàu, ngược lại ít tiền chưa hẳn là nghèo. Hôm nay anh có thể giàu, ngày mai có thể nghèo đi, cuộc sống luôn luôn có sự vận động và thay đổi. Mỗi người nên tìm cho mình cách sống phù hợp với cá tính riêng của mình”.
Nếu có một lời ngắn ngọn nào để nói về Đoàn Nguyên Đức thì đó là tâm sự của một người rất gần gũi với ông – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Võ Trường Sơn. “Tôi xem anh Ba Đức như một người anh, bởi sự gần gũi và quan tâm của anh dành cho anh em. Tôi cũng xem anh như một người thày, bởi tôi học hỏi rất nhiều điều quý giá về bản lĩnh kinh doanh, sự quyết đoán, khả năng xử lý các mối quan hệ, lòng nhân ái và cả sự chịu khó của anh…”.