Chuyến "shopping" ngàn tỷ, giật mình với đại gia Việt

Sẵn túi tiền ngàn tỷ, hàng loạt các đại gia tung tiền mua bán DN một cách rầm rộ và tưng bừng. Những cú "shopping" ngàn tỷ dường như là làn sóng mới khiến giới đầu tư càng phải thêm thận trọng.

Giật mình thương vụ ngàn tỷ

CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va - Novaland (NVL) vừa công bố thông tin về việc chi hơn 1,9 ngàn tỷ đồng để mua lại 99,99% vốn của Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức.

Thương vụ ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán và dậy sóng trên mạng và các diễn đàn chứng khoán bởi sức nóng của ông lớn bất động sản mới nổi: Novaland và ông chủ Bùi Thành Nhơn, một doanh nhân vừa lọt top 5 giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Câu chuyện trở nên rùm beng hơn khi mà số tiền ngàn tỷ mà Novaland bỏ ra là để mua một công ty còn rất non trẻ, mới thành lập được hơn một năm, với vốn điều lệ chưa đầy một tháng trước đó chỉ có 20 tỷ đồng. Hàng loạt các câu hỏi: ngàn tỷ sẽ đi về đâu, có hiệu quả hay không hay đồng tiền bao giờ sẽ trở về với cổ đông của NVL… đã được đặt ra và không ít người tỏ ra rất lo lắng.


Thâu tóm sáp nhập: cách làm giàu nhiều đại gia ưa thích.

Thâu tóm sáp nhập: cách làm giàu nhiều đại gia ưa thích.

Cũng khoảng một năm trước đây, giới đầu tư cũng xôn xao với thương vụ CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) bỏ cả ngàn tỷ đồng vừa thu về chưa nóng tay để mua lại công ty cao su từ 2 đối tác chiến lược.

Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, chưa đầy 2 tuần, toàn bộ số tiền hơn 1,6 ngàn tỷ đồng thu về từ đợt chào bán 59 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho hai tổ chức, đã được HAGL Agrico tiêu hết bay trong thương vụ mua Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương.

Trên TTCK Việt Nam, hoạt động mua bán sáp nhập đã diễn ra sôi động trong nhiều qua năm qua. Tuy nhiên, không ít vụ diễn ra bất ngờ và gần đây quy mô ngày càng lớn và dòng tiền chuyển dịch vào những địa chỉ mà cổ đông lo sợ.

Tại đại hội cổ đông của CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) vừa diễn ra, các cổ đông cũng đã chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp về việc đầu tư vào những công ty không tên tuổi, vào các doanh nghiệp mới toanh, có hoạt động kinh doanh kém, không chia cổ tức… Câu trả lời cũng đã có nhưng lo ngại chưa vơi.

Thực tế cho thấy, TTCK Việt chưa thực sự phát triển so với khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, về mảng mua bán sáp nhập (M&A), các doanh nhân Việt dường như có sự hiểu biết rất sâu sắc và thậm chí có nhiều sáng tạo mà chuyên gia tài chính nước ngoài có thể không theo kịp.

Trong vài năm trước đây, hàng loạt các vụ thâu tóm các DNNN tốt hoặc/và có nhiều đất vàng đã diễn ra và dẫn đến sự lộ diện của rất nhiều đại gia giấu mặt. Làn sóng này đã giúp không ít người giàu lên nhanh chóng.

Làn sóng mới lần này có phần cũng sáng tạo và có quy mô lớn không kém. Hàng ngàn tỷ đồng được các đại gia tung ra và có thể sẽ trở thành những khoản phải thu, không biết bao giờ về với cổ đông của doanh nghiệp.

Dòng tiền ngàn tỷ đi đâu?

Trước đó, giới đầu tư đã chứng kiến những trường hợp doanh nghiệp cho chính lãnh đạo công ty vay hàng trăm tỷ đồng. Hình thức rút tiền kiểu này rõ ràng là vi phạm luật và bị cổ đông truy xét tới cùng. Nhưng cách thức mới xem ra hợp lý hơn rất nhiều.


Không nhiều NĐT hiểu điều gì xảy ra sau các thương vụ mua bán.

Không nhiều NĐT hiểu điều gì xảy ra sau các thương vụ mua bán.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, việc một số doanh nghiệp bỏ hàng ngàn tỷ đồng mua các doanh nghiệp khác như gần đây là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm nằm ở chỗ: khoản tiền khổng lồ nói trên sẽ đi đâu và có hiệu quả hay không.

Khoản tiền trị giá hàng ngàn tỷ đồng sau khi được chuyển sang doanh nghiệp mới có thể sẽ được ủy thác đầu tư và sau đó có thể được hạch toán vào khoản phải thu, không biết bao giờ sẽ trở về.

Trước đó, không ít các công ty niêm yết đã thực hiện chiêu bài điều chuyển dòng tiền, có thể thấy như một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản hay một vài công ty chứng khoán tài chính. Tuy nhiên, quy mô dòng tiền khi đó không quá lớn. Giờ đây, những thương vụ dạng này ngày càng lớn, một vài ngàn tỷ đồng.

Một chuyên gia chứng khoán cho biết, nếu là công ty niêm yết, mọi hoạt động sẽ được các cổ đông cũng như nhà đầu tư theo dõi sát sao. Nhưng với một công ty con, công ty liên kết, công ty “sân sau” thì rất khó nắm bắt thông tin.

Và một khi nếu các quyết định đầu tư có mục đích mờ ám, thiệt hại chắc chắn sẽ thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, rủi ro có thể nằm ở sự lỏng lẻo của các cổ đông khi giao cho HĐQT duyệt các thương vụ mua bán giá trị lớn. Một khi HĐQT đã duyệt mua, quyết định của lãnh đạo là không có gì phạm luật.

Với khả năng xoay vòng đồng tiền, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã lớn như thổi trong một thời gian ngắn. Hiệu quả của doanh nghiệp như thế nào thì cần thêm thời gian cổ đông mới có thể biết được.

Theo M. Hà
VietnamNet