Long An:

Chuyện lạ: Nông dân trồng thanh long "ném tiền" cho... thương lái?

Tại Long An đang có tình trạng nông dân trồng thanh long bán "non" cho thương lái. Tình trạng này chẳng khác nào nông dân "ném tiền" cho lái thanh long.

Theo đó, nông dân sẽ bán thanh long cho thương lái chủ yếu vào những giai đoạn: Thanh long mới bung nụ, vuốt tai lần đầu (còn 20 ngày thu hoạch trái), vuốt tai lần 2 (còn 10 ngày thu hoạch trái). Thậm chí, một số hộ nông dân còn cho thương lái thuê vườn tự xông đèn cho ra trái.

Chuyện lạ: Nông dân trồng thanh long ném tiền cho... thương lái? - 1

Nông dân Nguyễn Vạn Thành, một trong những lái mua "thanh long non" đầu tiên ở huyện Châu Thành.

Nông dân bán "non" cả vườn thanh long

Theo ông Nguyễn Vạn Thành, Giám đốc HTX Vạn Thành (Châu Thành, Long An), hiện phần lớn nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành, địa phương có hơn 9.000ha thanh long, đều bán "thanh long non" cho thương lái.

Lý giải điều này, ông Thành cho rằng, do giá thanh long thời gian qua khá thấp, bất ổn nên gây tâm lý nông dân không dám "ôm" vườn.

Ông Thành cũng cho biết, ông là một trong những thương lái đầu tiên ở huyện Châu Thành tổ chức mua "thanh long non" của bà con nông dân.

Ông Thành khoe, vừa "mua đứng" 6.000m2 thanh long non ở Tiền Giang với giá 150 triệu đồng.

Cũng theo ông Thành, tình trạng bán "thanh long non" diễn ra ở địa phương đã 3-4 năm nay.

"Từ khi thương lái Trung Quốc qua mua trực tiếp thanh long ở Châu Thành, giờ ở Châu Thành thương lái hằng hà. Tình trạng tranh mua thanh long khá khốc liệt. Từ đó, mới có chuyện nông dân trồng thanh long bán "lúa non"", ông Thành bộc bạch.

Hiện, tại Châu Thành, thanh long đang vào vụ mùa. Giá thanh long ruột đỏ tại vườn thương lái đang chào giá 25.000-27.000 đồng/kg.

Bà Dương Thị Châu (xã Hiệp Thạnh) cho biết, vừa bán 3.500m2 "thanh long non" mới ra trái 10 ngày cho thương lái với giá 160 triệu đồng.

Chuyện lạ: Nông dân trồng thanh long ném tiền cho... thương lái? - 2

Những vườn thanh long mới ra hoa cũng được nông dân kêu thương lái bán.

Theo bà Châu, với giá bán "thanh long non" này, bà đã có lời hơn 100 triệu đồng.

Được hỏi, vì sao phải bán thanh long khi trái còn non? Bà Châu thổ lộ: "Có lời vậy là được rồi. Nếu ôm vườn lo lắm!".

Hiện, ở xã Hiệp Thạnh có đến 70-80% nông dân trồng thanh long bán "non". 

Nông dân… nhát tay

Nhiều nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành cho biết, thương lái chủ yếu mua "thanh long non" vào mùa nắng.

"Mùa mưa thanh long rất hay gặp bệnh đốm trắng nên thương lái ít mua và sợ mua "thanh long non" nếu mắc bệnh đốm trắng lại tốn thêm tiền thuốc, tốn công. Lái chỉ mua khi trái thanh long già, sắp cắt", một nông dân cho biết.

Chuyện lạ: Nông dân trồng thanh long ném tiền cho... thương lái? - 3

Thậm chí, nông dân cho thương lái thuê vườn để tự xông đèn cho ra trái.

Theo đó, khi có nhu cầu bán "lúa non, "nông dân sẽ gọi lái thanh long. Sau khi thẩm định vườn thanh long, như: Vườn đẹp hay xấu, số tấn trái thu hoạch, giá cả thị trường… lái sẽ định giá vườn.

Theo ông Thành, nông dân trồng thanh long "được, mất" vụ thanh long trong thời điểm này.

"Lái thanh long định giá vườn rất "meo". Trong khi tâm lý nông dân trồng thanh long thấy lời là gật đầu để bảo toàn vốn và đồng lời", ông Thành bộc bạch.

Sau khi thống nhất giá cả, lái sẽ đặt cọc cho nông dân. Thường mỗi vườn lái chỉ đặt cọc 50-60 triệu đồng. Từ đây trở đi, việc chăm sóc vườn thanh long thế nào là của lái.   

Ông Trần Văn Tâm, chủ vườn thanh long ở xã An Lục Long (Châu Thành) cho biết, mang tiếng là bán vườn "thanh long non" được 100-200 triệu đồng. Nhưng thực tế, nông dân chỉ nhận tiền cọc 50-60 triệu đồng từ lái. Số tiền còn lại sẽ được "chồng đủ" khi lái đặt dao cắt trái.

Nếu chẳng may, giá thanh long rớt thê thảm như đầu dịch Covid-19 vừa qua, lái bỏ cọc chạy dài. Lúc này, nông dân trồng thanh long ôm lỗ.

Thương lái "mua đứng" vườn thanh long non chỉ có lời, chứ ít khi thất bại. Lái rất rành định giá vườn. Nhờ có kỹ thuật trồng thanh long tốt nên lái có thể thúc bón vườn thanh long đạt hiệu suất trái tốt nhất để kiếm lời.

Chuyện lạ: Nông dân trồng thanh long ném tiền cho... thương lái? - 4

Nhọc nhằn với vườn thanh long, nhưng từ đây nông dân không còn "ăn trọn" doanh thu vì tâm lý bất ổn với tình trạng giá thanh long lên xuống thất thường.

Theo ông Thành, nếu nông dân cởi bỏ được tâm lý sợ "ôm" vườn thanh long, nông dân được trang bị kỹ thuật chăm bón thanh long khi đậu trái tốt thì sẽ không mất đi phần giá trị gia tăng cho thương lái. Và nông dân sẽ ăn trọn phần doanh thu từ vườn thanh long.