Chuyện hậu trường những nữ tỷ phú quyền lực bậc nhất Việt Nam
(Dân trí) - Là những doanh nhân lớn, nắm trong tay quyền lực lớn ở công ty, sở hữu hàng triệu thậm chí hàng tỷ đôla, những khi trở về với gia đình, họ vẫn là những người vợ chu toàn, tự nhận mình luôn thấp hơn chồng một bậc, vẫn nấu cơm, lau nhà, ẵm con, thậm chí, có người còn tự cho mình chỉ là… ôsin của chồng con.
“Về nhà tôi là osin”
“Có thể mọi người nghĩ tôi là một người rất bận rộn, nhưng thực tế thì mỗi cuối tuần tôi vẫn đi xem phim với con lớn, tắm và bế ẵm con bé” – bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã nói như vậy trong một buổi nói chuyện tại diễn đàn Forbes Vietnam Woman’s Summit 2017 diễn ra hồi tháng 4 năm ngoái.
Trong đợt cập nhật danh sách tỷ phú thế giới năm 2018 của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là nữ tỷ phú đôla đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cho đến thời điểm này với khối tài sản lên tới 3,4 tỷ USD xếp thứ 766 thế giới.
Không chỉ vậy, bà Thảo còn là một trong 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, với vị trí thứ 55.
Không riêng gì CEO Vietjet Air, những nữ doanh nhân khác, dù thành công đến mấy trên thương trường, họ cũng vẫn là những người vợ, người mẹ. Và câu chuyện của họ, câu chuyện hậu trường, về người phụ nữ gia đình của họ luôn luôn khiến người khác tò mò.
Nắm trong tay quyền lực với hàng triệu, hàng tỷ USD, gặt hái những thành công mà không ít phái mạnh cũng phải mơ ước, khâm phục, họ - những bông hồng thép trong cuộc sống gia đình ra sao, chăm chồng con thế nào, có nhiều khác biệt hay không?
Trong một lần chia sẻ trên báo chí, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, “Gia đình tôi rất bình thường. Tôi và ông xã là bạn học từ hồi phổ thông”.
“Về nhà tôi là ôsin. Chúng tôi là bạn học nên thực ra mọi việc chia sẻ rất thoải mái. Buổi tối, bên cạnh việc nhà thì tôi cũng vẫn trả lời email công việc. Ông xã tôi cũng thể nấu cơm, tôi lau nhà rất vui vẻ, thoải mái. Nhà tôi không thuê người giúp việc mà tất cả các thành viên tham gia vào công việc gia đình” – vị doanh nhân từng thuộc Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á vui vẻ nói.
Bà Liên có hai người con, một người là bác sĩ nhi và một người làm việc trong lĩnh vực tài chính.
“Dù giữ vị trí gì, về nhà vợ cũng thấp hơn chồng một bậc”
Cũng là một bà mẹ và đứng đầu một doanh nghiệp sữa, bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT THMilk, Tổng giám đốc BacA Bank thì khẳng định như đinh đóng cột: “Các con là một trong những thứ tạo nên nguồn năng lượng lớn của tôi”.
Với bà Hương, “việc đắm đuối với con là một nguyên nhân sâu xa khiến tôi không e ngại bắt tay vào làm sữa tươi sạch, dù khi ấy, tôi không biết một chút gì về lĩnh vực này. Tương tự, việc không muốn một lần nữa phải gửi con học xứ người khi con còn nhỏ khiến tôi đầu tư vào giáo dục”.
Trong hai giai đoạn cuộc đời làm mẹ của bà Thái hương, bà kể, khi các con dưới 13 tuổi, kể cả có đi công tác xa, bà cũng rất ít khi ngủ lại mà cố gắng về nhà để… “tối thay đồ, tắm cho con và sáng tự tay mặc áo, quàng khăn đỏ cho con”, thậm chí là dán nhãn vở cho con suốt từ năm lớp 1 đến lớp 12.
“Khi các con ngủ thì tôi trở lại với công việc làm doanh nhân. Hành trình của tôi lúc nào cũng vội vã, để chuyển vai doanh nhân và người mẹ. Nhân viên của tôi vẫn đùa rằng họ sống trong thời chiến thần tốc”, bà Hương chia sẻ trên báo chí.
Ở giai đoạn thứ hai, khi các con lớn, có thêm thời gian cho công việc, thế nhưng bà Hương vẫn thu xếp để học bài cùng cậu út đều đặn. Bà còn là một người mẹ nấu ăn rất ngon, món cá kho tộ của bà được nhiều người khen khó nhà hàng nào bằng. Bà còn biết thiết kế thời trang, tự mình thiết kế quần áo cho bản thân.
“Tôi không muốn người ta gọi mình là người phụ nữ quyền lực. Tôi chỉ muốn là một người phụ nữ của gia đình, nhưng số mệnh buộc tôi phải trở thành một doanh nhân mạnh mẽ” – bà Thái Hương trải lòng.
Một người phụ nữ nữa không thể không nhắc đến khi đã sắm tròn vai cả trên thương trường, cả ở trong mái ấm của mình, đó là “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc.
Cùng với chồng mình lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp trong “đế chế” Thành Thành Công, thế nhưng với bà Ngọc, dù thành công đến đâu, giữ vị trí gì trong xã hội thì về nhà, vợ bao giờ cũng “thấp” hơn chồng một bậc. Bữa trưa của gia đình bà, vợ chồng con cái luôn tụ họp, ăn cùng với nhau – đây có lẽ là điều mà rất nhiều gia đình bình thường khác cũng vô cùng ngưỡng mộ.
Doanh nhân Đặng Văn Thành từng kể về vợ mình với báo chí: Vào thời kỳ khủng hoảng, “mọi công việc sản xuất, thương mại đều giao lại cho vợ điều hành. Đến cuối ngày được bao nhiêu tiền cô ấy đều thu gom toàn bộ để tập trung ứng cứu kịp thời cho ngân hàng. Vừa bận rộn kinh doanh, cô ấy lại vừa chăm lo, giúp tôi giữ vững niềm tin bằng những lời động viên nhẹ nhàng, đầy tình cảm. Nhiều đêm dài thức trắng, cả hai đều trằn trọc không yên, nhưng sáng hôm sau tôi vẫn thấy cô ấy mỉm cười săn sóc cho tôi từng miếng ăn, từng ly nước uống... Đó là những tháng ngày tôi không thể nào quên”.
Sẽ còn rất nhiều mẩu chuyện về đời sống riêng của những nữ doanh nhân Việt. Lừng lẫy trên thương trường là vậy, nhưng trong gia đình, họ vẫn giữ vai chính là “người xây tổ ấm”. Thế mới biết, làm doanh nhân đã khó, làm một nữ doanh nhân, quả thực rất phi thường!
Bích Diệp (tổng hợp)