1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chuyên gia WB: Nông nghiệp Việt giảm tăng trưởng vì đứng ở "ngã ba đường"

(Dân trí) - Muốn giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp đang đối mặt, để tái cơ cấu thành công, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đòi hỏi phải có những cải cách rộng hơn trong cả nền kinh tế.

Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam chuyên đề Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố mới đây, nhóm chuyên gia WB chỉ rõ những điểm yếu cố hữu của nền sản xuất nông nghiệp Việt: Manh mún, lạm dụng đất - nước và thuốc trừ sâu, giá trị gia tăng thấp và phải xuất nhờ bằng thương hiệu nước ngoài.


Nông nghiệp giảm tăng trưởng không phải do thiên tai mà do vấn đề nội tại của Việt Nam (ảnh minh họa)

Nông nghiệp giảm tăng trưởng không phải do thiên tai mà do vấn đề nội tại của Việt Nam (ảnh minh họa)

Theo WB, dù kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhưng tăng trưởng đang chững lại và những biến động trên thế giới tiếp tục là thách thức với kinh tế Việt Nam. Đặc biệt ngành nông nghiệp – một động lực quan trọng của tăng trưởng đã và sẽ gặp nhiều khó khăn và thực tế tăng trưởng đã suy giảm.

"Bên cạnh những tác động khách quan ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng nông nghiệp như hạn hán, xâm nhập mặn… thì nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức nội tại như cơ chế chính sách đất đai, trình độ sản xuất và thương hiệu. Đã vậy, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Xuất khẩu tiếp tục khó khăn cả về lượng lẫn về giá. Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường”, ông Sergut Zorya, chuyên gia về nông nghiệp của WB cho hay.

Theo báo cáo của WB, là một nước xuất khẩu nông sản đi khắp thế giới nhưng nông sản chưa có thương hiệu Việt. Hầu hết nông sản của Việt Nam đều được bán dưới dạng thương phẩm thô với giá thường thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Nông sản thô giá rẻ của Việt Nam thường được pha trộn với mặt hàng của các quốc gia khác để tạo ra thành phẩm được bán dưới các thương hiệu quốc tế.

Một nghịch lý nữa là hầu hết thành phần và thực phẩm do người Việt Nam cung cấp lại dưới thương hiệu khác khiến người tiêu dùng thế giới chưa biết “thực phẩm Việt” hoặc nghi ngờ và lo ngại về rủi ro an toàn.

Ông Sergut cho hay: "Thái Lan họ tiếp thị rất giỏi về thương hiệu của họ. Gạo Thái Lan có thể bán với giá 800 USD/tấn trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 400 USD/tấn. Việt Nam cũng cần có các chiến dịch thương mại để đưa gạo Việt vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu và nâng giá trị dần dần để định vị thương hiệu gạo Việt Nam".

Chuyên gia WB chỉ ra vấn đề trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam vì sao đạt giá trị gia tăng thấp bởi do “phí tổn hiện quá lớn”. Không chỉ là chi phí đầu vào cao do chi phí vốn, vật tư, phân bón thậm chí cả giống phải nhập khẩu, mà sản xuất nông nghiệp đang sử dụng quá nhiều yếu tố như đất, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh… nhưng năng suất lại không cao.

Chuyên gia của WB kết luận: "Với cách lạm dụng nước, thuốc như hiện nay, nông nghiệp Việt Nam cũng đang gây tổn hại môi trường khá nhiều và như thế cái giá cho nông sản, cho tăng trưởng nông nghiệp đã có thể được coi là khá đắt. Một số vấn đề về môi trường đang gây tác động bất lợi về năng suất cũng như uy tín và vị thế quốc tế của nông sản Việt Nam".

Chuyên gia WB kỳ vọng, tăng trưởng nông nghiệp sẽ chấm dứt 10 năm suy giảm để quay lại với tốc độ của các năm ngay từ đầu thiên niên kỷ ở mức 3,0 đến 3,5%. Muốn giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp đang đối mặt cần có thay đổi trong các quy định về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, cải cách DNNN, cần thêm các chính sách và thể chế liên quan đến khoa học và công nghệ... trong nông nghiệp.

Nguyễn Tuyền