FDI vào nông nghiệp Việt Nam còn hạn chế
(Dân trí) - Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Ban thư ký Chương trình Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam cho biết, tính đến năm 2015, mới chỉ có 521 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, với 3,36 tỷ USD chiếm 1,3% số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên Nhóm công tác ngành hàng theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) thuộc Chương trình Đối tác Phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV) diễn ra mới đây, bà Hạnh cho biết: Việt Nam đang theo đuổi chính sách cởi mở về thị trường, đã tham gia ký kết, đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do. Trong đó có 10 Hiệp định đang trong quá trình thực hiện, 7 hiệp định còn lại đã phê chuẩn và chờ ký kết. Khi ký kết, thực hiện hàng loạt Hiệp định sẽ không còn rào cản về thuế quan đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
"Tuy nhiên, muốn tiếp cận thị trường quốc tế, các sản phẩm nông sản phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe, nhất là về chất lượng sản phẩm. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đúng mức trong toàn chuỗi. Nhưng đây lại là điểm yếu của nông nghiệp bởi vì từ trước tới nay, đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến năm 2015, mới chỉ có 521 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, với 3 tỉ 360 triệu USD chiếm 1,3% số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký của cả nước" - bà Hạnh nói.
Còn theo theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh việc triển khai hợp tác công - tư nhằm mục tiêu quan trọng là tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời cũng hưởng ứng tầm nhìn mới trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới, theo đuổi mục tiêu 20-20-20 là tăng 20% sản lượng, giảm phát thải 20% và tạo thêm 20% việc làm…
Ông Tuấn cho biết thêm, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên việc phát triển các nhóm ngành hàng theo hình thức công – tư còn không ít thách thức. Cụ thể là những giải pháp đẩy mạnh, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia mở rộng các mô hình đã triển khai, bởi hầu hết mô hình triển khai đều mới chỉ là mô hình điểm.
"Việc bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án công – tư còn khá khó khăn do chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách trong kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường có khả năng sinh lời thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên thường kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư hơn so với các ngành khác..." - ông Tuấn cho biết.
Vẫn theo ông Tuấn, hai thách thức lớn trong thời gian tới cần tháo gỡ, đó là phải nhân rộng được các mô hình đã triển khai, làm sao các nhóm công tác ngành hàng phải trở thành các Ban điều phối ngành hàng có hệ thống cán bộ chuyên trách để kết nối với các đối tác tham gia. Đồng thời phải hình thành các bộ phận cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư về thông tin, cơ chế, kỹ thuật để nhà đầu tư sẵn sàng tham gia đầu tư.
Tại Hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp đang tập trung thu hút vốn đầu tư tư nhân để tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, dựa vào khoa học và công nghệ. Hiện 15 doanh nghiệp, Tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã và đang hợp tác với Bộ trong 8 nhóm ngành hàng nông nghiệp, cho đến nay, thành công nhất là nhóm cà phê, chè.
Bộ sẽ luôn theo sát các nhóm công tác ngành hàng để đưa ra các cơ chế chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư của xã hội vào quy trình sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trên cơ sở những kết quả đạt được Bộ sẽ tổng kết lại; một mặt để tham vấn cho Chính phủ hoàn thiện thể thức và khuôn khổ hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt trong chuỗi sản phẩm ngành hàng từng mũi nhọn trong 10 sản phẩm quốc gia mà chúng ta cần định dạng.
Đồng thời hoàn thiện phương thức sản xuất để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Thông qua những mô hình sẽ chọn lọc lại để đi đến những quy trình sản xuất chuẩn về mặt khoa học để làm sao từng bước một những ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp tiến tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu dùng, gắn với thị trường.
Từ năm 2009, ngành nông nghiệp đã thành lập một số nhóm công tác ngành hàng theo hình thức hợp tác công – tư gồm: cà phê, chè, gia vị hồ tiêu, thủy sản, hàng hóa tập trung, rau quả. Sau đó, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn đã có thêm 2 nhóm được thành lập là hóa chất nông nghiệp và tài chính nông nghiệp.
Việc hình thành việc hình thành 8 nhóm công tác ngành hàng theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực, tuy nhiên các đại biểu cho rằng, để hình thức này phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp thiết thực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp vần còn nhiều thách thức….
Nguyễn Dương