Chuyên gia: "Việt Nam có lẽ là một trong những thiên đường thuế"

(Dân trí) - Đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận, Việt Nam có thể là một trong những thiên đường thuế với mức thuế suất nhìn chung là thấp và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Chuyên gia cho rằng thuế ở Việt Nam còn thấp và có thể tính tới các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Chuyên gia cho rằng thuế ở Việt Nam còn thấp và có thể tính tới "các biện pháp mạnh mẽ hơn".

Phát biểu tại hội thảo về các công cụ quản lý ngân sách Nhà nước vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, tỷ lệ động viên thuế trên GDP của Việt Nam từ 1996-2016 vào khoảng 16,7%.

“Tôi không nói con số đó là cao hay thấp. Vấn đề đặt ra là mở rộng cơ sở thuế, phải từ chính sách và quản lý, chính sách tốt và quản lý tốt thì tự nhiên tỷ lệ này thu hẹp. Chúng ta đang hướng tới quản lý tốt để không cần tăng thuế, nâng thuế nhưng vẫn tăng được nguồn thu ngân sách”, ông nói.

Cho rằng Việt Nam “có lẽ là một trong những thiên đường thuế”, ông Phụng dẫn chứng, ngoài mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, Việt Nam còn có mức ưu đãi 10%, 15% hay 17% tùy từng đối tượng. Thậm chí, hiện cũng có quy định về miễn thuế suốt đời dự án, miễn thuế 4 năm, giảm 9 năm,…

Theo ông Phụng, nhìn tổng thể, mức thuế của Việt Nam hiện thấp. So với các nước trong khu vực, mức thuế của Việt Nam là rất cạnh tranh. Thuế cổ tức ta không thu, doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp khác có lợi ta không thu…

"Thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân thấp, nên đây là dư địa nhiều chuyên gia có nói đến và chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ”, ông nói.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Oxfam, một số nước hiện đã bỏ ưu đãi thuế hoặc chỉ ưu đãi với một số ít trường hợp trong khi tại Việt Nam, việc ưu đãi vẫn được sử dụng nhiều dù không rõ chi phí mất đi cho phần ưu đãi là bao nhiêu.

Đồng quan điểm, ông Mathew Martin, Giám đốc Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế (DFI) đánh giá, thuế suất thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện thấp hơn hầu hết các nước láng giềng và thấp hơn mức trung bình toàn cầu (25%).

"Riêng với chính sách miễn giảm thuế cho khu vực FDI không có bằng chứng nào liên quan giữa khuyến khích đầu tư và miễn giảm thuế. Việc các nhà đầu tư quyết định đầu tư dựa trên nhiều cơ sơ như lực lượng lao động địa phương, cơ sở hạ tầng,… Thuế chỉ là một “yếu tố bên lề” và thậm chí có thể không cần đề cập tới để thu hút vốn FDI", ông nhận định.

Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, không gian tài khóa của Việt Nam còn ít. Do đó, hiện Quốc hội trì hoãn đánh thuế tài sản hay một số loại thuế khác nhưng “sớm muộn cũng phải đánh vì làm gì còn nguồn nào khác.”

"Một trong những giải pháp được nhắc tới trước đó là quản lý tốt để chống thất thu, nợ đọng thuế nhưng giải pháp này không thể dài hạn. Sớm hay muộn cũng phải tăng thuế", ông nói.

Ông Mathew Martin cũng cho rằng, quá trình huy động nguồn thu có thể tính tới các biện pháp mạnh mẽ hơn. Ví dụ như hiện Việt Nam đã có thuế bảo vệ môi trường tuy nhiên thuế suất với một số hàng hóa như nhựa hay thuốc trừ sâu rất thấp. Hoặc, mức thuế thu nhập cá nhân với quà tặng, thừa kế hiện chỉ 10%,…

Phương Dung

Chuyên gia: "Việt Nam có lẽ là một trong những thiên đường thuế" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm