Xây trụ sở ngàn tỷ: Hãy nhớ nợ công cao, thuế xăng tăng
Xây trụ sở nghìn tỷ, dự án thất thoát lãng phí,... nhiều khoản chi tiêu công khiến nhiều người không khỏi buốt lòng. Đâu đó còn nảy sinh tâm lý ỉ lại, không biết nâng niu từng đồng tiền ngân sách, cũng chính là tiền thuế của dân.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã tăng kịch trần chỉ sau 6 năm áp dụng. Từ chỗ chỉ đánh thuế 1.000 đồng/lít vào năm 2012, nay thuế môi trường với xăng đã tăng lên 4.000 đồng/lít.
Nhờ đó, thu ngân sách từ khoản thuế môi trường này cũng tăng vọt. Từ chỗ chỉ thu được 11,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2012, đến năm 2017 thuế bảo vệ môi trường đã gấp 4 lần, lên con số 44,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Con số dự kiến thu của năm 2018 là hơn 57 nghìn tỷ đồng.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của khoản thuế này với ngân sách. Bằng việc tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu... dự kiến nguồn thu này sẽ tiếp tục “tăng bền vững”.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA cho thấy, năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017.
Như vậy, từ chỗ mỗi người dân chỉ "gánh" 31 triệu đồng nợ công vào năm 2017, thì đến 2018 dự kiến con số này sẽ tăng thêm 4 triệu đồng, lên 35 triệu đồng.
Do nhu cầu đầu tư vẫn tăng cao, trong khi tiền làm ra chỉ đủ chi thường xuyên, cho nên việc Chính phủ vay tiền đầu tư chưa thể dừng lại.
Tiếc thay, nhiều khoản chi tiêu công vẫn khiến nhiều người không khỏi buốt lòng.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước hồi tháng 5/2018 cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016 Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận 19 cuộc thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Qua 19 kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm số tiền lên tới hơn 345 nghìn tỷ đồng. Chưa kể, số tiền sai phạm tính bằng ngoại tệ là 48,3 triệu USD và gần 304 nghìn Euro.
Còn ở địa phương, những con số sai phạm hàng nghìn tỷ vẫn thường xuyên được Kiểm toán Nhà nước nhắc đến ở mỗi kỳ quyết toán ngân sách.
Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, trong công tác chi thường xuyên vốn chiếm tới 2/3 chi ngân sách, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có 39/47 địa phương được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách, giảm thanh toán, dự toán năm sau 670 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công hoặc không đúng thực tế... Qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Một báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phát hiện, năm 2017 có 840 dự án xảy ra hiện tượng thất thoát, lãng phí.
Ngân sách hạn hẹp, tiền làm ra không đủ chi tiêu, nhiều dự án sai phạm bị điểm mặt chỉ tên. Thế nhưng đó đây vẫn xuất hiện nhiều đề xuất tiêu tiền ngàn tỷ của các địa phương.
Đơn cử như một số đề xuất của 2 tỉnh có nhiều huyện nghèo nhất nước là Hà Giang và Thanh Hóa (cùng có 6 huyện đặc biệt nghèo) đã được "phanh" kịp thời. Hà Giang muốn xây trung tâm hành chính hoành tráng với mức vốn đến khi hoàn thành vận hành cũng phải bỏ ra đến hơn 1.000 tỷ.
Còn Thanh Hóa muốn chi 104 tỷ đồng để chi cho chuỗi kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
Ấy là chưa kể các phong trào làm quảng trường, tượng đài từng rộ lên ở loạt tỉnh thành.
Vì đâu có hiện tượng tiêu tiền bằng được như thế ở nhiều địa phương? Một phần là bởi hạn chế trong cách thức phân bổ ngân sách ở Việt Nam.
Yếu tố công bằng và hiệu quả là tiêu chí quan trọng trong phân bổ ngân sách ở Việt Nam, nhưng yếu tố công bằng thường được quan tâm hơn.
Điều này vô tình dẫn đến tình trạng nhiều địa phương thu ngân sách không cao thì vẫn được Trung ương trợ cấp lớn để chi tiêu. Trong khi, một số địa phương có số thu lớn thì lại phải gồng gánh san sẻ chi tiêu cho các địa phương khác. Vì thế, đâu đó còn nảy sinh tâm lý ỉ lại, không biết nâng niu từng đồng tiền ngân sách, cũng chính là tiền thuế của dân như đã đề cập ở trên.
Vậy nên, trước khi nghĩ đến việc thu thêm sắc thuế nào đó, thì những người nắm “tay hòm chìa khóa” của đất nước cần phải tiếp tục quản chặt hơn nữa việc chi tiêu lãng phí, xử lý nghiêm minh những hành vi bòn rút tiền ngân sách. Có vậy, dư luận mới không khỏi lo lắng bởi những lần tăng thuế. Và dẫu có phải tăng thuế, dân cũng dễ chấp nhận hơn khi biết đồng tiền đó được sử dụng hiệu quả.
Theo Lương Bằng
VietnamNet