Chuyên gia viết gì trong thư gửi Thủ tướng về việc áp giá sàn vé máy bay?
(Dân trí) - Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay nội địa sẽ gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người.
Mới đây, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ về dự thảo áp giá sàn vé máy bay nội địa.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/10/2022. Tại dự thảo, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa.
Trong đó, giá vé máy bay tối thiểu sẽ bằng 20% mức giá tối đa quy định cho các chuyến bay từ 1/11 đến hết tháng 10/2022. Các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 320.000 đồng/vé; các đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng.
Trong thư gửi Thủ tướng, ông Long nêu, kể từ khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công bố dự thảo giá sàn vé máy bay, báo chí, dư luận, doanh nghiệp và giới nghiên cứu liên tục phản ánh, phản đối giá sàn.
Trên thị trường hàng không nội địa hiện nay có 6 hãng hàng không đang hoạt động. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm khoảng 35% thị phần, VietJet Air chiếm 36%, Bamboo Airways chiếm khoảng 13%. Như vậy, theo Luật Giá, thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Đối với DN bán hàng hóa, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá trần (giá tối đa). Đối với những DN mua hàng hóa, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá sàn (giá tối thiểu). Quy định như vậy để các DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường không lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình để bán giá cao hơn giá trần hoặc mua với giá thấp hơn giá sàn do Nhà nước quy định hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo ông Long, áp giá sàn là trái quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa hiện nay mà trong Luật Giá và Luật Hàng không đã quy định.
Áp giá sàn không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường; Đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới, đặc biệt là xu hướng phát triển của hàng không giá rẻ; Vi phạm các Hiệp định, điều ước quốc tế về không phân biệt đối xử giữa DNNN với các thành phần kinh tế khác mà ta đã tham gia như WTO, CPTTP, EVFTA… khiến nhà đầu tư quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam; Gây khó khăn trong việc Mỹ và châu Âu công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; Gây ảnh hưởng không tốt đến chủ trương, chính sách xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng mà Đảng và Nhà nước đã nhiều năm kiên trì thực hiện.
Đối với ngành hàng không Việt Nam, giá sàn sẽ tạo lợi thế cho hãng hàng không làm ăn kém hiệu quả, gây khó khăn cho hãng khác, làm giảm nguồn thu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng không, đặc biệt là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay.
Việc áp giá sàn sẽ gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người. Trong giai đoạn khó khăn này, càng cần duy trì mô hình giá vé rẻ để hỗ trợ người thu nhập thấp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Mới đây, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam báo cáo lãnh đạo Quốc hội là áp giá sàn để bảo đảm an toàn hàng không, để chống phá giá. Theo ông Long, cách lý giải này sai về bản chất, không phù hợp với tính chất, đặc thù của ngành hàng không, khiến các chuyên gia và báo chí phản ứng gay gắt.
Chuyên gia cho rằng, mô hình hàng không giá rẻ đã chiếm 50% thị phần vận chuyển khách hàng không thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, hàng không giá rẻ đã chiếm khoảng 65% thị phần. Trong đại dịch, so với hãng hàng không truyền thống thì các hãng hàng không giá rẻ có sức chịu đựng tốt hơn, có khả năng bật dậy nhanh hơn và sẽ đóng góp tích cực trong việc phục hồi kinh tế, du lịch.
"Phần lớn người dân nước ta thu nhập còn thấp. Người dân đã quen với giá vé bay rẻ và giá vé bay rẻ rất phù hợp với họ. Áp giá sàn làm mặt bằng vé bay tăng cao, sẽ làm mất đi bao thành quả tốt đẹp của ngành hàng không, của Bộ GTVT, của Chính phủ đã gây dựng trong hàng chục năm qua", ông Long viết trong thư gửi Thủ tướng.
Trên cơ sở đó, chuyên gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để xem xét, xử lý theo quy định, có văn bản trả lời.