Chuyên gia Trung Quốc thăm dò đất hiếm Lào Cai: Thận trọng
Hiện số quặng này vẫn đang được quản lý, chờ ý kiến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.
Ngày 3/12/2019, trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường bày tỏ sự lo ngại trước việc Công ty CP Khánh An tiến hành thăm dò đất hiếm ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai nhưng lại sử dụng công nghệ mập mờ khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao.
Theo lời giải thích của ông Lê Văn Thức - Giám đốc điều hành dự án thăm dò đất hiếm của Công ty CP Khánh An, đơn vị đã sử dụng công nghệ mới của Trung Quốc, lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, có nhiều loại công nghệ thăm dò, khai thác khoáng sản khác nhau, rất hiệu quả. Công nghệ thăm dò đất hiếm nổi tiếng nhất phải nói đến là của Mỹ, còn Trung Quốc thì cũng bình thường thôi.
Việc Công ty CP Khánh An dùng công nghệ mới của Trung Quốc, lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nhưng không nói rõ đó là công nghệ gì?.
"Sử dụng công nghệ thăm dò, khai thác đất hiếm cần hết sức thận trọng. Bởi để tách được đất hiếm ra khỏi quặng thì cần nhiều hóa chất, mà bản thân đất hiếm cũng gồm các nguyên tố phóng xạ nên có thể gây ô nhiễm môi trường rất cao" - GS.TSKH Lê Huy Bá cho hay.
Ngoài ra, vị chuyên gia còn bày tỏ sự lo ngại vấn đề bí mật khác khi Công ty CP Khánh An sử dụng phần lớn chuyên gia thời vụ đến từ Trung Quốc để thăm dò đất hiếm. Cụ thể, đơn vị này được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò đất hiếm ở huyện Bảo Thắng - Lao Cai là 48 tháng.
Trong số 24 người tham gia hoạt động thăm dò của Cty Khánh An có 19 lao động là người Trung Quốc, đây là những chuyên gia thăm dò đất hiếm. Những chuyên gia này được thuê thời vụ, luân phiên nhau, mỗi người cứ làm việc dưới 3 tháng lại về nước một thời gian rồi quay trở lại làm việc tiếp. Chính vì thế, họ không cần phải xin cấp giấy phép lao động.
"Đặt trong bối cảnh đất hiếm là tài nguyên quyết định đến cuộc phát triển công nghệ 4.0. Nếu quốc gia nào có được đất hiếm là chiếm được ưu thế trong vấn đề này. Trung Quốc là nước được đánh giá có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới nhưng cũng đang dần cạn kiệt. Các chuyên gia cũng nhận định trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam không kém gì Trung Quốc.
Trung Quốc từng nhiều lần bày tỏ ý định muốn khai thác đất hiếm ở Việt Nam nhưng chưa được cũng vì tầm quan trọng của tài nguyên này ở hiện tại và tương lai. Đặt trong bối cảnh đó, việc sử dụng chuyên gia Trung Quốc của Công ty CP Khánh An cần hết sức thận trọng. Cơ quan chức năng cần vào cuộc quản lý chặt chẽ vấn đề này" - GS.TSKH Lê Huy Bá bày tỏ.
Cùng nói về vấn đề này, ngày 3/12/2019, bà Đinh Thị Hưng - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lào Cai thành thật, bản thân cũng rất "khổ tâm" trước việc không làm cách nào để xử lý việc luân chuyển chuyên gia Trung Quốc của Công ty CP Khánh An khi thăm dò đất hiếm ở Lào Cai.
"Vì vướng quy định nên chúng tôi không thể xử lý được. Các lao động Trung Quốc mà Công ty CP Khánh An sử dụng đều chỉ có thời hạn làm việc dưới 3 tháng ở Việt Nam nên không cần làm thủ tục xin - cấp giấy phép.
Sau khi họ về nước khoảng 1 tháng lại quay trở lại Việt Nam làm việc như thường, mỗi lần quay trở lại họ đều khai báo, làm thủ tục liên quan đầy đủ nên không thể xử lý" - bà Hưng nói.
Còn ông Đỗ Văn Duy - Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai cho biết, hiện Bộ TN&MT đang có kế hoạch kiểm tra việc thăm dò của Công ty CP Khánh An. Trước phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường mà doanh nghiệp này gây ra, cơ quan quản lý môi trường Lào Cai cũng đã vào cuộc kiểm tra nhưng không phát hiện có sai phạm.
Thời điểm đầu tháng 11/2019, Công ty CP Khánh An làm đơn xin vận chuyện 200 tấn quặng chứa nguyên tố đất hiếm đi phân tích. Tuy nhiên, việc này đã bị cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai ngăn cản vì nhận thấy có nhiều điểm bất thường.
"Hiện số quặng này vẫn đang được quản lý, chờ ý kiến từ Bộ TN&MT quyết định" - ông Duy nói.
Theo Vân Thanh
Đất Việt