1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chuyên gia: Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang gây... bất ổn

Văn Hưng

(Dân trí) - Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng quỹ này là sáng tạo riêng của Việt Nam, nhưng lại không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá.

Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu diễn ra mới đây, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận quỹ bình ổn giá xăng dầu là sự "sáng tạo" riêng của Việt Nam. Nhiều nước khác đều dự trữ quỹ bằng nguồn xăng dầu.

Quỹ bình ổn giá hoạt động dựa theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau do đó không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Nhà điều hành cũng không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai dẫn đến việc quỹ bình ổn đang gây bất ổn.

Chuyên gia: Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang gây... bất ổn - 1

Nhiều ý kiến được đưa ra bàn luận tại hội thảo góp ý về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu (Ảnh: Văn Hưng).

"Nếu tại kỳ điều hành thứ nhất giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai mà giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ đúng đắn", PGS.TS Phạm Thế Anh phân tích.

Ngoài ra, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào.

Theo ông, việc sử dụng quỹ có xu hướng tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng sự bất bình đẳng. Cụ thể là xăng E5 RON 92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập, các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Trong các năm 2020-2022, số lần xăng E5 RON 92 được chi quỹ là 46 lần, trong khi xăng RON 95 là 36 lần, dầu mazut là 22 lần. Trong khi đó, số lần phải trích lập với xăng E5 RON 92 là 35 lần, xăng RON 95 là 41 lần và dầu mazut là 50 lần.

Ông Thế Anh khuyến nghị quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt, khi Nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông cho rằng Nhà nước cần có dự trữ xăng dầu quốc gia, khi thị trường bất ổn thì bơm ra.

"Như thế mới tiến dần đến việc thành lập thị trường cạnh tranh", ông Cung nhấn mạnh.

Trước đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất phương án giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng quỹ.

Cụ thể, cơ quan quản lý chỉ can thiệp điều hành giá thông qua trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu tăng từ 10% trở lên hoặc giảm 7% trở lên so với kỳ công bố giá liền trước. Ưu điểm của phương án này là Nhà nước vẫn có công cụ điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp vào giá xăng dầu, đưa mặt hàng dần vận hành theo thị trường. Còn nhược điểm là các doanh nghiệp vẫn phải trích lập, chi quỹ bình ổn theo chỉ đạo điều hành của Nhà nước, nên khả năng sẽ có sự không đồng thuận.

Theo Bộ Công Thương, quỹ bình ổn là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành. Nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.