Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nội lực kinh tế yếu vì quá coi trọng ngoại lực!

(Dân trí) - Chia sẻ về nguồn động lực cho tăng trưởng Việt Nam thời gian tới tại buổi Tọa đàm bàn về Toàn cầu hóa kinh tế và việc quản trị nhân sự tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội sáng nay (6/12), chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Việt Nam cần xem lại hội nhập quốc tế, coi trọng ngoại lực nhưng không đẩy nội lực.

Bởi theo bà Lan, khá nhiều người đang hoài nghi vì Việt Nam sẽ không có được cải cách, động lực tăng trưởng khi TPP không được thông qua. "TPP được nhiều người ví như "đũa thần" cho Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, phải công bằng, khách quan rằng không "ông nước ngoài" nào giúp Việt Nam phát triển được cả, phải do chính chúng ta", bà Lan nhấn mạnh.

"Chúng ta rất hào hứng với xuất khẩu, FDI nhưng bộ phận trong nước teo đi. Nếu không thay đổi bằng lao động giá rẻ, nội lực của Việt Nam vẫn còn yếu so với các đối thủ trên toàn cầu", bà Lan khẳng định.

Chuyên gia kinh tế kêu gọi Việt Nam vực dậy nội lực bằng hỗ trợ DN nhỏ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư khoa học công nghệ
Chuyên gia kinh tế kêu gọi Việt Nam vực dậy nội lực bằng hỗ trợ DN nhỏ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư khoa học công nghệ

Về công nghiệp hóa, bà Lan bình luận: Cách đây 20 năm, các chuyên gia Nhật Bản đã nói đến việc Việt Nam nên phát triển công nghiệp hỗ trợ, có chính sách cụ thể để hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ trong các ngành sản xuất điện tử, chế tạo máy hay dệt may nhưng chúng ta vẫn thích làm ngành công nghiệp hoành tráng như sắt thép, xi măng và hóa chất. Theo bà Lan, đến nay, những quan điểm và tư vấn của các chuyên gia thế giới cho Việt Nam vẫn còn giá trị.

"Các nước phát triển khác, người ta đều đi vào công nghiệp phụ trợ từ đó tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hàn Quốc, Đài Loan là ví dụ điển hình, vươn lên làm gia công, phụ trợ, nhưng Việt Nam qua nhiều năm vẫn hài lòng trong chuỗi giá trị lao động giá rẻ nhưng vẫn không thay đổi chiến lược", bà Lan nói.

Trên thực tế, vị chuyên gia này cho hay: Cơ hội Việt Nam trong các Hiệp định FTA thế hệ mới đã được khẳng định, song thách thức về thị trường mở cửa là rất lớn. Hội nhập tới đây vẫn nói đến ngành dệt may, lao động giá rẻ, hàng điện tử cũng được coi là thành công của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành điện tử là ngành công nghệ cao của Việt Nam hiện nay, song vẫn chỉ sử dụng lao động giá rẻ để xuất khẩu.

"Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến Việt Nam là vì nguồn lao động phong phú và giá rẻ, chứ không phải là nguồn lao động chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Đây là điều chúng ta đáng suy nghĩ! Việt Nam không thể cứ khai thác mãi nguồn tài nguyên tài nguyên và lao động giá rẻ trong khi thế giới đã khai thác tốt nguồn lực chất xám con người, đang bước vào công nghiệp thứ 4 (gia tăng giá trị về hàm lượng công nghệ, máy móc). Nội lực của Việt Nam cứ yếu đi so với các nước trong khu vực và đối tác trên toàn cầu, chúng ta không thể ngồi yên", bà Lan trăn trở.

Ông Hitoshi Sato, Trưởng nhóm nghiên cứu, Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (IDE – JETRO) cho hay: DN tham gia toàn cầu hoá kinh tế có lợi thế về năng suất hơn so với DN không tham gia. Tại Việt Nam, DN có nhu cầu tham gia chuỗi sản xuất cao song thực tế các DN nội địa đáp ứng hạn chế, các tiêu chuẩn TNCs đưa ra nhưng khá ít.

Theo đánh giá của ông Sato, vấn đề của Việt Nam hiện nay là thực tiễn quản trị nhân lực đang khó giữa hiệu suất của người lao động và sử dụng hiệu quả công nghệ, kỹ thuật. Việt Nam vẫn vướng mắc vào tư duy phát triển dựa vào nguồn nhân lực rẻ. Các DN đến Việt Nam vấn chủ yếu khai thác lợi thế này, do vậy rất khó để Việt Nam thay đổi tư duy phát triển trong thời gian ngắn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ở mọi lĩnh vực, cần đặt cải cách nhân lực trong tay các DN nội địa, chỉ khu vực này mới đảm bảo chuyển đổi chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay.

Nguyễn Tuyền