Chuyên gia nói về "vũ khí quan trọng" để doanh nghiệp Việt cạnh tranh

Đại Việt

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, trong giai đoạn mới, doanh nghiệp cần có quy trình quản trị rủi ro một cách rõ ràng và định hình lại cấu trúc, chiến lược cũng như quy trình vận hành.

Các quốc gia ứng phó ra sao?

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong tháng 9 cho thấy, có gần 94% doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, gần 91% công ty giảm quy mô lao động và hầu hết các đơn vị có doanh thu giảm từ 46% đến 87% so với năm 2020.

Chia sẻ tại sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM mới đây, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam - nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - nhìn nhận những con số nói trên nói lên sự tác động khủng khiếp của Covid-19 đến nền kinh tế.

Chuyên gia nói về vũ khí quan trọng để doanh nghiệp Việt cạnh tranh - 1

GS.TS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam (Ảnh: TL).

Theo ông Khương, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng trải qua những đợt cao trào của Covid-19, tác động sâu rộng vào nền kinh tế. Tuy vậy, nhiều nước đã tự rút kinh nghiệm và tìm ra phương thức để sống chung với dịch bệnh.

Điển hình như Singapore tập trung vào số hóa, phát triển năng lực kỹ thuật số cho hệ thống doanh nghiệp, số hóa chuỗi cung ứng, đào tạo kỹ năng cho người lao động với quy trình sản xuất mới.

Ngoài ra, Singapore cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tái tạo; xây dựng ngành công nghiệp thực phẩm giá trị cao nhằm tăng cường an ninh lương thực.

Còn doanh nghiệp ở Mỹ thì đang định hình lại chiến lược, cấu trúc, quy trình, con người và công nghệ một cách nhanh chóng. Họ tích cực kết nối nhà cung cấp, đối tác, khách hàng và thiết kế lại chuỗi cung ứng để tối ưu hóa khả năng phục hồi, phát triển.

"Doanh nghiệp Mỹ lập kế hoạch chi tiết cho sự thay đổi trong thời kỳ khủng hoảng như giữ khoảng cách, sắp xếp công nhân vào các nhóm khép kín, chuyển giao ca không tiếp xúc. Họ cũng tăng cường sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất bằng cách số hóa, tự động hóa" - ông Khương nói.

Lấy ví dụ từ Nhật Bản, ông Khương nhận định quốc gia này đề cao yếu tố con người trong sự thành công của mỗi doanh nghiệp, họ cho rằng sức khỏe là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Trong đại dịch, các doanh nghiệp Nhật Bản đều cố gắng mở rộng, đa dạng hóa đối tác của mình.

Chuyên gia hiến kế doanh nghiệp Việt "vượt bão"

Thông qua việc nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm của mình, GS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, doanh nghiệp Việt muốn "cất cánh" cần có quy trình quản trị rủi ro rõ ràng, bài bản. Các công ty cần định hình lại cấu trúc, chiến lược, quy trình, con người và công nghệ.

Chuyên gia nói về vũ khí quan trọng để doanh nghiệp Việt cạnh tranh - 2

Doanh nghiệp Việt cần có quy trình quản trị rủi ro rõ ràng, bài bản trong thời kỳ mới (Ảnh: T.L).

Chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp cần quan tâm đến sức khỏe, tâm lý của người lao động, giúp họ nâng cao chất lượng chuyên môn và xử lý được những vấn đề phức tạp trong thời kỳ mới.

Ngoài ra, các công ty cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận thị trường mới và cũ, kể cả thị trường khó tính nhất; Chủ động nguồn nguyên liệu để thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Cũng theo ông Khương, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, hệ thống internet để kết nối với nhà đầu tư, đối tác thông qua các nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Đi đôi với công tác sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp cũng cần chung tay bảo vệ môi trường và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

"Đây là những vũ khí quan trọng để doanh nghiệp Việt có thể thích ứng và cạnh tranh mạnh mẽ trong tương lai" - GS.TS Nguyễn Đức Khương cho hay.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý III, tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm khoảng 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất trong gần 20 năm qua. 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020 do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê nhận định, những giải pháp căn cơ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới chính là đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine, mở rộng cơ sở tiêm, đối tượng tiêm; Đảm bảo lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế, an sinh xã hội cho người dân, có giải pháp hỗ trợ phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể.

Song song đó là triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập.

Tiếp theo là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa. Từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.