Chuyên gia: Mua cổ phiếu bất động sản dựa vào đếm đất là "đếm cua trong lỗ"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Giá bất động sản có tăng nhưng theo chuyên gia, việc định giá cổ phiếu ngành này dựa vào đếm đất và nhân với mức giá giao dịch ảo mà không tính đến năng lực triển khai thì như "đếm cua trong lỗ".

Lướt sóng không phù hợp với tất cả nhà đầu tư

Thực tế thị trường hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 chọn trường phái đầu tư trading ngắn hạn, hay còn là "lướt sóng" với mong muốn thu về lợi nhuận cao trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro cao.

Chuyên gia: Mua cổ phiếu bất động sản dựa vào đếm đất là đếm cua trong lỗ - 1

Ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI và khách mời tại chương trình (ảnh: BTC).

Tại chương trình "Bí mật đồng tiền" với chủ đề "Sóng" diễn ra ngày 5/1, ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI - cũng là một gia kỳ cựu trong lĩnh vực chứng khoản - cho biết bản thân là người lựa chọn đầu tư cơ bản, bền vững. 

"Việc mà phân tích kỹ thuật hay lướt sóng không phải là thứ tất cả dành cho mọi người. Nhà đầu tư phải chọn phương pháp đầu tư phù hợp với mình. Bản thân tôi thì không hợp với lướt sóng", ông Hưng nói.

Cũng theo ông Hưng, không phải lựa chọn nào cũng đúng. Điều quan trọng là đường lùi, quản trị rủi ro, biết mình sai thì thoát ra thế nào. "Đúng sai không quan trọng. Quan trọng là phải biết mình đang làm gì. Đúng thì kiếm tiền được bao nhiêu, sai thì mất bao nhiêu", ông Hưng chia sẻ.

Đề cập đến đợt "sóng" cổ phiếu bất động sản, ông Phạm Lưu Hưng cho biết đang có logic kiểu "đếm cua trong lỗ". Ngành bất động sản vẫn được ưa thích và giá bất động sản có xu hướng tăng nhưng theo ông Hưng, định giá cổ phiếu công ty bất động sản dựa trên việc đếm đất (quỹ đất doanh nghiệp sở hữu - PV) và nhân với một mức giá giao dịch ảo nào đó mà không tính đến năng lực triển khai thì đây không phải là một cách đầu tư nghiêm túc.

Ông Hưng cũng cho rằng không thể sử dụng phép tính lấy một cổ phiếu bất động sản có thể tăng vài lần so với hiện tại, từ đó suy ngược ra VN-Index có thể lên 2.500 điểm đến 3.000 điểm.

Chuyên gia SSI nói thêm, không phải "sóng" lúc nào cũng bắt đầu từ "gió". "Trong chứng khoán cũng như vậy, có những cơn sóng do hưởng lợi từ diễn biến vĩ mô, không có yếu tố tạo lập; không cần có kỹ thuật quá phức tạp để lướt những cơn sóng này. Nhưng cái mà chúng ta nói nhiều ở đây là sóng nhân tạo, bị kéo đẩy… Với cách thức lướt sóng này thì không dành cho tất cả mọi người", ông Hưng lưu ý.

Cổ phiếu lên rất mạnh rồi có nên mua hay không?

Một câu hỏi khá thú vị được đặt ra tại chương trình "Bí mật đồng tiền" là cổ phiếu lên nhiều rồi có nên mua hay không? Ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI cho biết điều này phụ thuộc vào trường phái cơ bản hay kỹ thuật.

"Theo trường phái cơ bản, chúng tôi sẽ phải nhìn vào tiềm năng tăng trưởng 2022 để xem đã phản ánh hết vào mức giá hay chưa để quyết định có mua hay không", ông Hưng nhấn mạnh, nếu không hiểu về cổ phiếu thì sẽ không bao giờ xuống tiền đầu tư.

Anh Nguyễn Tuấn Anh - một chuyên gia phân tích kỹ thuật chứng khoán lâu năm - cũng được mời đến chương trình. Anh Tuấn Anh cũng thường được gọi với cái tên "chuyên gia lướt sóng" - trường phái đầu tư đối lập với cơ bản.

Tiết lộ bí quyết để tồn tại trên thị trường chứng khoán hàng chục năm, anh Tuấn Anh cho biết bản thân là người có kỷ luật rất vững vàng.

"Với tôi không có khái niệm liều, đầu tư ở đây không phải là liều hay không liều. Thường tôi không bao giờ ra quyết định trong lúc giao dịch, mà thường quyết định tối hôm trước", anh Tuấn Anh nói.

Lấy ví dụ có nên đầu tư cổ phiếu CEO - một cổ phiếu bất động sản có mức tăng gấp 7-8 lần thời gian qua - anh Tuấn Anh cho biết: "Bản thân tôi chắc chắn sẽ không dám mua mới. Nói dân kỹ thuật là liều nhưng nên mua ở lúc cần phải mua, cách đây vài tháng rồi", anh Tuấn Anh nói. Là một chuyên gia phân tích kỹ thuật, anh Tuấn Anh nhận xét có sự "bất thường" với mức tăng dựng đứng.