1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuyên gia mách bí kíp cắt lỗ, lý giải giá cổ phiếu tăng dù lợi nhuận kém

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, với nhà đầu tư mới tham gia thị trường có thể lựa chọn mốc dừng lỗ quen thuộc như 3, 5%... Còn với nhà đầu tư lâu năm thì có thể theo dõi vùng hỗ trợ mạnh.

Chuyên gia mách bí kíp cắt lỗ, lý giải giá cổ phiếu tăng dù lợi nhuận kém - 1

Theo chuyên gia, với nhà đầu tư mới tham gia thị trường có thể lựa chọn mốc dừng lỗ quen thuộc như 3, 5%... Còn với nhà đầu tư lâu năm thì có thể theo dõi vùng hỗ trợ mạnh (Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp lỗ, giá cổ phiếu vẫn tăng, chuyên gia lý giải

Tại tọa đàm trực tuyến "Đầu tư cổ phiếu nào trong thời gian tới" do SSI tổ chức ngày 11/8, nhiều phân tích liên quan đến vấn đề quản lý danh mục đầu tư như chốt lời, cắt lỗ hay phản ứng ra sao khi quỹ ngoại bán ròng… được đề cập tới.

Chia sẻ từ góc nhìn nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) - cho biết có hai cách tiếp cận để các quỹ chọn lọc cổ phiếu. Cách thứ nhất, họ có thể tiếp cận từ trên xuống, đánh giá vĩ mô, điều kiện thị trường, tìm ra ngành nào được hưởng lợi rồi lựa chọn cổ phiếu doanh nghiệp có tiềm năng.

Thứ hai là lọc hàng nghìn cổ phiếu trên sàn dựa trên các yếu tố như lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, tăng trưởng rồi chọn ra khoảng 50-60 cổ phiếu tiềm năng. Từ đó các thành viên trong quỹ đánh giá, đưa ra quyết định. 

Ông Minh cũng cho biết, nếu xác định được giá mua cổ phiếu đó là 12.000 đồng thì sẽ thực hiện mua khi giá dưới con số này. Nếu xác định giá đắt là 20.000 đồng thì trên con số này sẽ bán ra. "Tất cả đều có kế hoạch sẵn. Điều này giải thích vì sao có sự trái chiều giữa các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức ở nhiều thời điểm trong việc mua vào - bán ra", ông Minh lý giải.

Trả lời câu hỏi vì sao thực tế có những cổ phiếu giá tăng cao bất chấp việc doanh nghiệp này có lỗ lũy kế, ông Minh nhận định, đây là hiện tượng bình thường. Bởi thị trường chứng khoán phản ánh những thứ trong tương lai. Bây giờ doanh nghiệp lỗ nhưng có thể một năm sau khó khăn qua đi, họ tăng trưởng trở lại. 

"Đây là lí do vì sao nhìn vào báo cáo tài chính hiện tại thì cần đánh giá xem tiềm năng trong tương lai doanh nghiệp đó như thế nào?", ông Minh cho hay. Thêm nữa, một yếu tố chi phối thị trường chứng khoán là dòng tiền rất lớn. Có những câu chuyện đằng sau của doanh nghiệp có sức hút với nhà đầu tư, nên họ có thể bỏ qua những yếu tố rủi ro ngắn hạn là bị lỗ để quyết định lựa chọn cổ phiếu đó.

Khi nào thì cắt lỗ?

Một vấn đề được rất nhiều nhà đầu tư mới quan tâm cũng được đặt ra tại tọa đàm, đó là ứng xử ra sao khi thị trường đi xuống. 

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - chuyên gia chiến lược đầu tư của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI - cho biết, rủi ro lớn nhất mà các nhà đầu tư xác định gặp phải đó là giảm giá cổ phiếu. 

Chuyên gia mách bí kíp cắt lỗ, lý giải giá cổ phiếu tăng dù lợi nhuận kém - 2

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm - chuyên gia chiến lược đầu tư của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI.

Vị chuyên gia đưa ra một số lời khuyên đối với các nhà đầu tư ngắn hạn trong trường hợp gặp biến động thị trường là phải chuẩn bị các kịch bản cho cổ phiếu đó. Trong đó, xác định giá mục tiêu là bao nhiêu, khi giá cổ phiếu vượt qua thì nên bán. Ở chiều ngược lại, khi giá cổ phiếu giảm, cần xác định được điểm dừng lỗ. 

"Với nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì có thể lựa chọn mốc quen thuộc như 3, 5%... Còn với nhà đầu tư lâu năm thì có thể theo dõi vùng hỗ trợ mạnh nhằm hạn chế thua lỗ lớn", ông Tâm khuyến nghị.

Đối với các lời khuyên cắt lỗ trên thị trường thời điểm đó, ông Tâm cho rằng nhà đầu tư cần đánh giá được chất lượng người khuyến nghị, xem xét người đó có thực sự là người có kinh nghiệm hay không. "Đương nhiên bên cạnh việc nghe lời khuyến nghị của chuyên gia hay thì phải tự xác định được điểm dừng lỗ để tự quản trị rủi ro cho chính mình", ông Tâm nhấn mạnh.

Còn với các nhà đầu tư tổ chức họ cắt lỗ ra sao, trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, họ sẽ đánh giá tiềm năng dài hạn, nếu giá giảm có thể mua tiếp. Còn nếu giảm tới 20% thì sẽ có những đánh giá lại.

Trong trường hợp có những nhân tố mới xuất hiện sẽ có những quyết định khác. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào tỷ trọng phân bổ trong danh mục. Đối với những cổ phiếu chiếm phần lớn danh mục thì họ phản ứng rất nhanh, thay đổi cũng nhanh.

Có lo ngại khi nhà đầu tư ngoại bán ròng?

Thực tế có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến động thái của các quỹ ngoại. Vậy khi thị trường xuất hiện nhiều phiên bán ròng liên tiếp của nhà đầu tư ngoại, các nhà đầu tư trong nước có nên lo ngại?

Ông Nguyễn Đức Minh -  Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho biết, thực tế giá trị bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên tổng giá giao dịch không nhiều. Các nhà đầu tư cá nhân tham gia rất lớn trên thị trường. Do vậy việc bán ròng trên thị trường của khối ngoại không quá quan trọng. 

Ông Minh lấy ví dụ, năm 2020 khi dịch Covid-19 ập đến, nhà đầu tư ngoại bán ròng nhiều nhưng sau đó thị trường lên rất mạnh. Các đầu tư nước ngoài có kế hoạch phân bổ ở nhiều quốc gia khác nhau nên quyết định không đơn giản chỉ vì thị trường đó xấu. Nhiều khi động thái bán ròng của khối ngoại đôi khi nhằm mục tiêu phân bổ tài sản, không phản ánh hết xu hướng của một thị trường cụ thể. 

Ông Minh cũng cho biết có khá nhiều câu chuyện về cuối năm. Nhưng nếu để nói về thị trường cuối năm dòng tiền là yếu tố cần xem xét, gần đây nhất là những chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. 

Ngoài ra, với các yếu tố trong nước và tác động của dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều ngành nghề, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ các ngành nghề hồi phục sau dịch. Ngoài chính sách tiền tệ, gần đây kế hoạch giải ngân đầu tư công có nhiều điểm tích cực. Đây cũng là điểm đáng lưu ý với nhà đầu tư khi xem xét danh mục những doanh nghiệp được hưởng lợi.

Ông Đức cũng cho nhấn mạnh, khi dịch bệnh qua đi, sẽ có nhiều ngành phục hồi nhanh chóng. Trong đó có một số ngành được ông Đức đặt nhiều kỳ vọng như bất động sản, xuất khẩu, tiêu dùng, logistics và hàng không...