Chuyên gia: Lương tối thiểu chỉ khiến người Việt mất thêm việc làm
(Dân trí) - Không thấy nhiều lợi ích của tăng lương tối thiểu đến quảng đại người lao động, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đề nghị bỏ quy định lương tối thiểu bằng cách tăng quỹ phúc lợi xã hội. Còn chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ ra nghịch lý tăng lương không đồng điệu với tăng năng suất và tăng lương tối thiểu khiến người Việt mất việc làm trong tương lai.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam hiện có 50% lao động làm việc nhưng không được ký hợp đồng chính thức thì chính sách lương tối thiểu không đạt yêu cầu và không hỗ trợ được cho hơn 50% số lao động không được thụ hưởng của quy định lương tối thiểu.
"Chúng ta có đặt ra câu hỏi người lao động không có hợp đồng có đủ sống bằng lương tối thiểu hay không? Tôi cho rằng, có tăng lên 50% nữa cũng không đủ sống. Cuộc sống bây giờ nó khác cuộc sống ngày xưa nhiều lắm", ông Tuyển nói.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho hay: Không phải nước nào nào cũng có lương tối thiểu như Việt Nam và cách tính như Việt Nam. Nếu Việt Nam bỏ lương tối thiểu với thiết chế như là một công cụ bảo trợ xã hội thì chúng ta sẽ phải xây dựng quỹ phúc lợi tốt hơn. Khi ấy có thể thị trường lao động sẽ khác, trả lương chính đáng cho những người có năng lực tốt hơn. Điều này nên cân nhắc, xem xét toàn diện.
Về tăng lương tối thiểu đang lạc nhịp với tăng năng suất lao động (NSLĐ), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: Thông điệp của Báo cáo Việt Nam 2035, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô đã đưa ra 4 mối lo lớn nhất cho Việt Nam về dài hạn, trong đó mối lo số 1 là NSLĐ thấp và suy giảm.
"NSLĐ đang là vấn đề số 1 của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta phải nhấn mạnh NSLĐ và tiền lương phải có mối quan hệ mật thiết, tăng tiền lương phải phục vụ tăng NSLĐ, chứ không thể tách rời", bà Lan nói.
Bà Lan phân tích: Trước đây, chúng ta kỳ vọng về NSLĐ Việt Nam tăng cao, điều này diễn ra trước năm 2010. Tuy nhiên, bản chất chủ yếu do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Điều này khiến tiền lương tăng cao, giá trị lao động ngành này tăng hơn so với nông nghiệp nên chúng ta tăng NSLĐ một cách cơ học.
Tuy nhiên, gần đây NSLĐ trong công nghiệp và dịch vụ đều bị giảm, không tăng được, bằng chứng là do chúng ta không có trình độ, chỉ giới hạn có vậy. Lương tăng không đi cùng năng suất thì nó sẽ làm nghẽn NSLĐ. Trong nhiều năm thực hiện chính sách lương tối thiểu, đã ai đặt và giải quyết câu hỏi là tiền lương tăng có làm tăng NSLĐ hay không?
"Tôi ám ảnh cảnh tiền lương tăng lên nhưng DN lại rút bớt việc làm đi, hoặc phá sản. Như vậy, chính sách tăng lương tối thiểu, tăng lương bình quân hiện nay của chúng ta chỉ nghĩ tăng lương cho những lao động hiện tại mà không nghĩ đang có hàng triệu người vẫn chờ để có việc làm, không lo được số người không có việc làm. Công ăn việc làm của người Việt trong tương lai sẽ là bài toán hết sức đau đầu của Việt Nam, tiền lương không tính theo NSLĐ sẽ là thách thức không nhỏ", chuyên gia Lan nói.
Nguyễn Tuyền