1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tăng lương tối thiểu khiến Việt Nam có nguy cơ mất hơn 600.000 việc làm

(Dân trí) - Băn khoăn về việc Việt Nam đang xây dựng lộ trình tăng lương tối thiểu năm 2018, đại diện các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam lo chi phí sẽ tăng lên, giảm lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực và nguy cơ lao động việt Nam bị mất việc ngày càng cao.

Cụ thể, Nhóm Công tác Nguồn Nhân lực thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng: Chính phủ đang xây dựng lộ trình mức lương tối thiểu, quy định giá trị mục tiêu trung hạn. Tuy nhiên, sự biến đổi của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế vô cùng dữ dội nên khó khăn trong việc dự đoán, mức lương tối thiểu nên được quyết định dựa trên chỉ số kinh tế và xu hướng kinh tế hàng năm.

Tăng lương tối thiểu, chi phí bảo hiểm xã hội được cho là khiến chi phí cho DN và nền kinh tế Việt Nam tăng lên
Tăng lương tối thiểu, chi phí bảo hiểm xã hội được cho là khiến chi phí cho DN và nền kinh tế Việt Nam tăng lên

VBF nhấn mạnh “việc quy định mục tiêu trung hạn là không thích hợp” và khuyến cáo Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt cải cách kinh tế là trọng tâm để tăng lương.

“Duy trì mức lương cạnh tranh và nâng cao năng suất là yếu tố quyết định cho sự tiếp nối thành công của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, VBF khuyến cáo.

Đại diện VBF kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên đưa những thành viên độc lập vào Hội đồng Tiền lương Quốc gia để minh bạch hoá và tính thực tiễn trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, bên cạnh đưa đại diện của người sử dụng lao động và người lao động vào Hội đồng, VBF hy vọng sẽ bổ sung thêm người đại diện chung nêu ý kiến trên quan điểm trung lập như nhà kinh tế học, giảng viên đại học, luật gia, tăng cường quan điểm của nền kinh tế vĩ mô và quy trình xem xét thích hợp, tiến hành thảo luận công bằng.

Nói về quan điểm tăng lương và bảo hiểm, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh: Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới gần đây, mức lương tối thiểu của Việt Nam là cao, vượt xa mức tăng năng suất, thực thế là không đem lại lợi ích nào.

“Việc Bộ LĐTBXH cho biết việc điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2017 sẽ khiến mức chi tiêu của các doanh nghiệp tăng vọt bởi các khoản đóng góp bắt buộc đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; tất cả những khoản này sẽ tạo gánh nặng đáng kể cho quỹ lương”, báo cáo của AmCham cho hay.

Tổ chức của Hoa Kỳ còn nói thêm, đề xuất mở rộng bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài tại Việt Nam mới đây sẽ chỉ khiến tăng gánh nặng cho DN và làm tình trạng này tồi tệ hơn.

“Các chuyên gia ước tính rằng, các khoản gia tăng chi trả cho bảo hiểm xã hội có thể dẫn đến việc cắt giảm 371.000 việc làm, chủ yếu tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, công ty cổ phần và các công ty TNHH. Khoảng 110.000 việc làm sẽ bị cắt giảm trong ngành dệt may, 105.000 việc làm trong sản xuất và 59.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm