Chuyên gia kinh tế: Nên tổ chức đầu thầu Đề án sữa học đường

(Dân trí) - Với mục tiêu cải thiện thể lực và tầm vóc cho thế hệ tương lai của đất nước, Chính phủ đã quyết định triển khai chương trình “Sữa học đường”. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, mục tiêu đề án tốt nhưng việc triển khai liệu có đảm bảo được đúng mục tiêu đặt ra.

Chương trình Sữa học đường theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ đến năm 2020.
Chương trình Sữa học đường theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ đến năm 2020.

Đề án “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020.

Theo đó, đề án hướng đến mục tiêu trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống ít nhất một ly sữa mỗi ngày. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.

Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách sẽ được hỗ trợ toàn bộ (trong đó, ngân sách chi trả 50%, doanh nghiệp 50%). Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.

Ngay sau khi đề án được đưa, nhiều một phụ huynh cho biết, họ ủng hộ chương trình này. Bởi thực tế dù không có chương trình này họ vẫn phải cho con sử dụng các loại sữa để cải thiện dinh dưỡng. Trong khi đó, tham gia đề án sữa này, họ được hỗ trợ một nửa chi phí.

Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh tỏ ra lo ngại với chương trình này. Mặc dù thừa nhận mục tiêu của chương trình là tốt, nhưng làm sao để những hộp sữa đến tay con họ đều được đảm bảo chất lượng.

Trên một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ, chủ đề sữa học đường được thảo luận sôi nổi. Trong đó, câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất đó là nguồn cung cấp sữa là của hãng nào, chất lượng sữa ra sao.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, việc triển khai sữa học đường nên được khuyến khích nhưng phải tùy thuộc từng vùng, từng khu vực, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, miền núi và đối với các hộ nghèo…

Theo chuyên gia này, việc triển khai tìm nhà cung cấp sữa là một khâu rất quan trọng, do đó việc đấu thầu cần phải được diễn ra một cách công khai, minh bạch.

Thực tế, với con số hàng triệu trẻ em mẫu giáo và tiểu học Thủ đô sử dụng sữa học đường mỗi ngày, 5 ngày/tuần thì đây thực sự một thị trường tiềm năng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được.

Do vậy, theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc minh bạch hoá trong khâu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp sữa là rất cần thiết để tạo nên sự đồng thuận của phụ huynh. Sự minh bạch là cần thiết vô cùng trong tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt đối với giáo dục.

Bên cạnh việc chọn một doanh nghiệp có uy tín thì cũng cần phải đảm bảo mức giá tính toán hợp lý, thấp hơn thực sự so với thị trường để khuyến khích phụ huynh tham gia. Trong khi đó, trên mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rất “nóng lòng” muốn biết doanh nghiệp nào sẽ được chọn để cung cấp sữa cho con cái họ sử dụng.

Trước những băn khoăn của dư luận về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, dù bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra.

Cụ thể, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, Sở và các đơn vị liên quan đang triển khai bán hồ sơ mời thầu và đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia. Ngày 1/10 Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường. Sau khi có kết quả, Sở sẽ công bố tên đơn vị trúng thầu tới tất cả phụ huynh.

“Dù đơn vị nào trúng thầu cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng sữa. Ngoài ra đơn vị đó cũng phải đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia đề án”, ông Tiến khẳng định.

Ông Tiến cũng khẳng định, việc tham gia đề án này là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia ở bất kỳ thời điểm nào và cũng có thể tạm dừng bất cứ lúc nào khi không có nhu cầu. Hiện nay phụ huynh đăng ký cho con tham gia khi chưa biết công ty nào trúng thầu, nhưng đến khi có đầy đủ thông tin rồi mà thấy không yên tâm thì vẫn có thể rút lại đăng ký.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, mục tiêu của đề án là bổ sung dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển thể lực cho trẻ em của thành phố nên mong muốn của ngành giáo dục đào tạo là các trường tổ chức tuyên truyền để phụ huynh hiểu chính xác, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa.

"Chỉ khi có đầy đủ thông tin thì phụ huynh sẽ thấy việc tham gia là cần thiết, trừ những trường hợp bất khả kháng như học sinh có cơ địa dị ứng với các thành phần của sữa hoặc một số lý do đặc biệt khác", ông Tiến nói.

Được biết, chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… khi ra đời chương trình được hưởng ứng rất nhiều bởi những lợi ích của nó như giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em.

Chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước, trong đó có Nhật Bản.
Chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước, trong đó có Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu,… vẫn ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6% (nguồn: Viện dinh dưỡng 2015).

Với tình trạng như vậy, việc mỗi ngày được bổ sung ít nhất 1 hộp sữa trong bữa ăn học đường thông qua chương trình sữa học đường được nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho là điều cần thiết và nên làm.

N. Khánh

Chuyên gia kinh tế: Nên tổ chức đầu thầu Đề án sữa học đường - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm