Chuyên gia kinh tế: "Chi trả nợ của ngân sách vượt quá khoản thu từ dầu thô"
(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế cho biết, trong những năm gần đây 2013 - 2016 chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho trả nợ đã vượt qua khoản thu bằng dầu thô, mặc dù trong giai đoạn 2003 - 2008, chi trả nợ chỉ chiếm khoảng 60% so với thu từ dầu thô.
Trong tham luận gửi tới Diễn đàn tài chính diễn ra tuần qua, PGS. TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho biết, từ khi áp dụng Luật Đầu tư công mới, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước (NSNN) đang giảm dần. Cụ thể, tốc độ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển giai đoạn 2012 - 2016 chỉ đạt 6,5% năm thấp hơn nhiều tỷ lệ 17 - 18% mỗi năm (giai đoạn 2007 - 2011) và thấp hơn nhiều tốc độ tăng cho chi thường xuyên (đạt trung bình 14% giai đoạn 2012 - 2016).
Theo ông Cường, dù chi đầu tư của Việt Nam đã giảm xuống trong thời gian gần đây, nhưng chưa phải là quá thấp so với các quốc gia trong khu vực hiện nay. Tỷ lệ chi đầu tư của Chính phủ trên GDP của Việt Nam (9%) thấp hơn so với Mông Cổ (13%) nhưng cao hơn đáng kể so với mức chi của Indonesia (3,3%), Hàn Quốc (4,2%) và Singgapore (6,1%).
"Tỷ lệ chi đầu tư của Việt Nam trên tổng chi tiêu công cao hơn so với hầu hết các quốc gia so sánh. Tuy nhiên, trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn thì việc giảm mạnh chi đầu tư công mà không có nguồn thay thế cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực về dài hạn", vị chuyên gia nhận định.
Theo nghiên cứu của TS Cường, trong cơ cấu chi thường xuyên có thể thấy chi cho giáo dục và đào tạo, y tế tăng lên rất nhanh. "Mức chi cho phát triển con người của Việt Nam không kém gì các quốc gia khác trong khu vực", ông nhận định.
Số liệu nghiên cứu của TS Vũ Sỹ Cường cho thấy, tính theo tỷ lệ so với GDP, mức chi cho y tế và giáo dục ở Việt Nam năm 2012 (2,9% và 5,9%) tương đối thấp hơn so với Mông Cổ (3,1% và 6,9%) nhưng cao hơn tất cả các nước khác có dữ liệu so sánh, bao gồm Indonesia (0,8% và 3,3%), Trung Quốc (0,9% và 3,6%), Hàn Quốc (0,4% và 3,7%) và Singgapore (1,3% và 2,8%).
Đáng lưu ý, chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam không đạt được kết quả tốt trong việc cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công, tốc độ tăng cho chi hành chính giai đoạn 2010 - 2016 là 19% mỗi năm, trong khi giai đoạn 2001 - 2005 chỉ là 17%. Ví dụ riêng số chi quản lý hành chính cho các cơ quan trung ương đã tăng hơn 12 lần từ 3.000 tỷ đồng năm 2004 lên 37.395 tỷ đồng năm 2015.
Chi lương tăng với tốc độ 11,7% mỗi năm theo giá cố định. Tuy lương cơ bản chỉ tăng 2,3% mỗi năm cho thấy tăng thu nhập và phụ cấp ngoài lương cơ bản có thể là những nguyên nhân chính khiến cho chi lương tăng lên.
Chi tiêu về bảo đảm xã hội ở Việt Nam (3%) nằm ở khoảng giữa so với các quốc gia; mức chi thấp hơn nhiều so với Mông Cổ (16,1%), Trung Quốc (6,6%) và Hàn Quốc (5,4%) nhưng cao hơn so với mức chi của Indonesia (0,8%) và Singgapore (1,8%). Chi cho lương hưu và đảm bảo xã hội ngày càng chiếm t lệ lớn trong NSNN. Tốc độ tăng khoản chi này là gần 18% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2015 so với chỉ 11,1% mỗi năm của giai đoạn 2001 - 2005.
Ông Cường cũng cho biết thêm rằng, một trong những khoản chi có vai trò ngày càng lớn trong tổng chi NSNN là chi trả nợ. Với nhiều khoản vay từ những năm 1990 thì đến nay đã bắt đầu tới hạn trả nợ, do vậy hàng năm số nợ phải trả chiếm tỷ trọng khoảng 10 - 12% tổng chi NSNN.
"Về xu thế, số nợ này sẽ tăng dần lên trong những năm tới và điều đó cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến tính bền vững của NSNN trong tương lai. Trong những năm gần đây 2013 - 2016 chi NSNN cho trả nợ đã vượt qua khoản thu bằng dầu thô, mặc dù trong giai đoạn 2003 - 2008, chi trả nợ chỉ chiếm khoảng 60% so với thu từ dầu thô", ông cho biết.
Phương Dung