Chuyên gia Bùi Trinh: Cán bộ xuất ngoại, tiền thuế của dân phải tiêu cẩn thận!
(Dân trí) - Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa bị nêu tên đi công tác 160 ngày trong 1 năm, cùng với đó là hơn 42.000 lượt quan chức đi nước ngoài tiêu tốn số tiền nghìn tỷ. Bình luận về sự việc đang gây sự chú ý của dư luận, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: Cần phải lượng hoá hiệu quả kinh tế và tiêu cẩn thận tiền thuế của dân.
Trả lời phỏng vấn PV Báo Dân Trí về số tiền hơn 1.000 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước chi tiêu cho hơn 42.000 lượt quan chức đi công tác nước ngoài 4 năm qua, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, cần nhìn vào thực tế chi thường xuyên tại các bộ ngành, địa phương đang ở mức cao mà tiết giảm khoản chi phí này.
Thưa ông, vừa qua Thanh tra Chính phủ đưa thông tin một số bộ ngành có lượt cán bộ đi công tác rất lớn, trong đó hơn 42.000 lượt cán bộ của các Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước cùng một số tỉnh thành đã xuất ngoại tiêu tốn khoản ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng, ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Rõ ràng, ở đây không nói ra nhưng ai cũng biết, số liệu của Thanh tra Chính phủ nêu ra trong 4 năm qua cho thấy tình trạng chi tiêu ngân sách cho những chuyến đi xuất ngoại của quan chức rất lớn. Những chuyến đi nước ngoài này ảnh hưởng đến chi tiêu ngân sách, cụ thể là chi thường xuyên ở các bộ, ngành và các tỉnh.
Thực tế, tôi biết hiện nay nhiều chuyến đi công cán của cán bộ nhà nước với lý do học hỏi kinh nghiệm, đi theo chương trình ký kết hoặc chuyến công du tháp tùng các nguyên thủ chủ yếu là đi thăm quan là phần lớn, % công việc ở đây khá ít và cũng không học hỏi được nhiều điều ở nước bạn.
Nhiều cơ quan hiện nay còn viện lý do đi kiểm tra nhưng thực tế là đi chơi, đi thăm quan ở nước ngoài.
Có tình trạng hiện nay, các quan chức trực thuộc Vụ, Cục hoặc Thứ trưởng đều có lịch đi nước ngoài công tác. Lịch này đa phần là đi liên hệ công việc, ký kết hoặc làm việc chuyên môn. Phải chăng đây là một trong những kẽ hở của chính sách đi nước ngoài cho quan chức?
- Hiện nay, cứ mỗi lần đi nước ngoài về, các cán bộ cơ quan Nhà nước thường có báo cáo thu hoạch chuyến đi. Tuy nhiên, những bản báo cáo này thường mang tính hình thức, không có hiệu quả gì thực sự và sau đó cũng xếp ngăn bàn.
Đã đến lúc chúng ta phải tính hiệu quả kinh tế của những chuyến đi công tác mà phải bỏ tiền ngân sách của các quan chức, cán bộ nhà nước. Tiền thuế của người dân cần được chi tiêu cẩn thận!
Vậy, phải chăng đa số những chuyến đi xuất ngoại của quan chức hiện nay là thiếu hiệu quả, không thể đo lường được lợi ích cho đất nước?
- Tôi không nói tất cả những chuyến đi đều vô nghĩa nhưng cần chỉ trích xu hướng xuất ngoại vì lợi dụng công việc để đi chơi. Những chuyến đi lợi dụng danh nghĩa, lấy tiền của Nhà nước cũng sẽ khiến những chuyến đi có mục đích, có hiệu quả và đặc biệt vì công việc của những người có trách nhiệm bị ảnh hưởng.
Hiện nay, được biết chúng ta có rất nhiều chính sách để quản lý cán bộ đi nước ngoài, từ các Quyết định của các bộ trưởng, trưởng ngành đến các Thông tư, Nghị định. Tuy nhiên, việc quản lý cán bộ đi nước ngoài vẫn chưa hiệu quả, ảnh hưởng không tốt đến dư luận và hiệu quả chính sách.
Đi công tác nước ngoài với danh nghĩa ký kết hợp tác thì có khá nhiều, nhưng tôi cho rằng việc đi để ký kết hợp tác này cần thực chất chứ không phải cứ thấy đi ký là ký.
Còn đối với trường hợp đi công tác nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm. Thực tế, những báo cáo thu hoạch của các cán bộ nhà nước từ cấp cục, vụ, chuyên viên thì không có hiệu quả, cũng chẳng học được gì nhiều. Đi quá nhiều và đi với mục đích thăm quan nên học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam là chưa có và không thực hiện được.
Còn đi dưới hình thức doanh nghiệp mời, trường hợp này không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước song nó ảnh hưởng đến người chỉ đạo, điều hành và ra quyết định đến chủ trương chính sách của Nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)