Chuyên gia bóc lý do ngân hàng rơi vào tình trạng yếu kém
(Dân trí) - Một số ngân hàng yếu kém do bị thao túng bởi nhóm cổ đông lớn, sở hữu chéo và cho vay nội bộ kém hiệu quả, dẫn đến nợ xấu, buộc phải tái cơ cấu.
Tại hội thảo "Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?" do báo Tiền Phong tổ chức ngày 11/4, các chuyên gia nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tăng tính minh bạch, hiệu quả và quản trị rủi ro trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là với các trường hợp chuyển giao bắt buộc.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam - cho biết, Việt Nam hiện có 35 ngân hàng thương mại, trong đó 5 ngân hàng yếu kém đang bị kiểm soát đặc biệt. Dù số lượng ngân hàng lớn góp phần tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp và người gửi tiền, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý do rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng rất cao.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam (Ảnh: BTC).
Từ năm 2010, hệ thống ngân hàng tăng trưởng nhanh chóng, có ngân hàng mở rộng gấp 10-15 lần chỉ trong 15 năm. Sự phát triển mạnh mẽ này vừa mở ra cơ hội, vừa đòi hỏi cải cách sâu hơn về năng lực quản trị và tái cấu trúc hệ thống.
Quá trình tái cơ cấu từ năm 2011 đến nay đã áp dụng nhiều biện pháp như sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao bắt buộc và kêu gọi nhà đầu tư mới.
Theo ông Thành, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng yếu kém ở một số ngân hàng thương mại cổ phần chủ yếu đến từ sự thao túng của một nhóm cổ đông lớn. Những cổ đông này nắm tỷ lệ sở hữu cao và kiểm soát ngân hàng thông qua mô hình sở hữu chéo, khiến cho các quy định an toàn hoạt động ngân hàng bị vô hiệu hóa.
Từ đó, ngân hàng dễ dàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án nằm trong cùng một "hệ sinh thái", nhưng hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tín dụng chuyển thành nợ xấu. Hệ quả là các ngân hàng này buộc phải tái cơ cấu để tránh nguy cơ đổ vỡ.
Từ thực tiễn tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, ông Thành cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần giữ vai trò là "người cho vay cuối cùng" nhằm đảm bảo thanh khoản và duy trì sự ổn định của hệ thống. Quá trình tái cơ cấu cũng cần được thực hiện trên nền tảng nguồn lực tài chính thực chất, đến từ Nhà nước hoặc các nhà đầu tư tư nhân, thay vì chỉ mang tính hình thức.
Một yếu tố then chốt khác là phải từng bước giảm tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản trị. Song song đó, cần xây dựng một hệ thống thanh tra, giám sát có tính hợp nhất cao hơn, đủ năng lực kiểm soát đồng thời cả hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường vốn, qua đó phát hiện sớm và ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, để chuyển giao ngân hàng yếu kém đạt hiệu quả, vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải tối thiểu đạt 3.000 tỷ đồng và cần có sự bảo lãnh từ ngân hàng mẹ đối với toàn bộ tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng con.
Theo Điều 185 của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, bên nhận chuyển giao sở hữu toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng được chuyển giao nhưng không cần hợp nhất báo cáo tài chính, cũng không tính ngân hàng con vào tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ tại hội thảo sáng 11/4 (Ảnh: BTC).
Ông Hiếu cho rằng những quy định này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và có thể khiến báo cáo tài chính bị bóp méo, đặc biệt khi không ghi nhận các khoản lỗ lũy kế.
Việc không phản ánh chính xác sức khỏe tài chính có thể ảnh hưởng đến niềm tin của cổ đông và người gửi tiền. Trong khi đó, các khoản tiền gửi hiện nay tại các ngân hàng được chuyển giao chỉ được bảo hiểm ở mức rất hạn chế, làm gia tăng rủi ro cho người dân.
Ông Hiếu cảnh báo rằng chuyển giao bắt buộc không phải là giải pháp lâu dài. Nhiều ngân hàng đã từng chuyển giao cách đây một thập kỷ nhưng đến nay vẫn thiếu thông tin công khai về tình hình tài chính và hoạt động.
Vì vậy, ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần công khai minh bạch thông tin các ngân hàng được chuyển giao, đặc biệt là trên các kênh chính thức như website, để củng cố niềm tin của người gửi tiền và nâng cao trách nhiệm quản trị.
Tái cơ cấu ngân hàng là quá trình dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, tổ chức tài chính và xã hội. Nếu không minh bạch và hiệu quả, quá trình này khó có thể tạo ra thay đổi thực chất và bền vững cho toàn hệ thống ngân hàng quốc gia.