Chuyển đổi số ngân hàng - lấy đà để bứt phá

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ngân hàng (NH) truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức hơn bao giờ hết, đòi hỏi NH đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, giống một vận động viên điền kinh, CĐS trong hệ thống NH sẽ đòi hỏi một bước "lấy đà" để bứt phá.

Chuyển đổi số ngân hàng - lấy đà để bứt phá - 1
Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam.

Thách thức "bủa vây" NH truyền thống

NH truyền thống với cấu trúc ứng dụng nguyên khối monolith và modular gặp rất nhiều trở ngại để thích ứng trong thời đại mới. Công nghệ NH lõi truyền thống khiến các NH không linh hoạt, chậm và khó để tăng quy mô; thời gian đưa một sản phẩm mới ra thị trường mất hàng năm; không cập nhật được nhu cầu của khách hàng nên khó có thể cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ; chi phí duy trì hệ thống cũng rất tốn kém.

Khi chưa kịp chuyển đổi để thích ứng thì NH truyền thống lại đang mất dần khách hàng. Theo báo cáo của Mastercard năm 2020, 62% khách hàng châu Âu cho biết họ quan tâm tới việc chuyển từ sử dụng NH vật lý truyền thống sang NH số. Còn theo báo cáo của Bain & Company năm 2020, khoảng 54% khách hàng tin tưởng gửi gắm tiền của họ vào các công ty Big Tech hơn là các NH.

Chuyển đổi số ngân hàng - lấy đà để bứt phá - 2
NH số thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Như vậy một phần của việc mất khách hàng trên là do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các Fintech, Big Tech. Trong đó, một xu hướng đang lên của Fintech thế giới là "tài chính nhúng" với một ví dụ cụ thể hơn là hình thức mua trước trả sau (BNPL), cạnh tranh trực tiếp với NH, công ty thanh toán và phát hành thẻ. Tại Việt Nam, lực lượng Fintech cạnh tranh với NH cũng rất "hùng hậu", theo Fintechnews, có 31% Fintech hoạt động trong mảng thanh toán và 17% trong mảng cho vay ngang hàng.

Cạnh tranh giờ đây còn đến từ các nhà bán lẻ. Tận dụng dữ liệu khách hàng sẵn có, các nhà bán lẻ cũng đầu tư công nghệ, "nhúng" các dịch vụ tài chính vào hoạt động lõi, mang lại một dòng thu nhập mới cho doanh nghiệp. Có thể nhận thấy hoạt động này qua việc ứng dụng Vinhomes Resident (trước đây là VinID) của Vingroup, và mới đây là siêu thị điện máy Thế giới di động, Điện máy xanh đã phát triển dịch vụ thu hộ tiền điện, nước, internet, truyền hình cáp, viện phí, bảo hiểm,…trên ứng dụng để phục vụ tập khách hàng của mình.

Thời đại số cũng chứng kiến hành vi tiêu dùng liên tục thay đổi. Khi phần lớn NH còn đang loay hoay với việc miễn phí dịch vụ, vốn đã trở thành bình thường, thì người tiêu dùng lại đang kỳ vọng các sản phẩm được cá nhân hóa, và đẩy mạnh dịch vụ tư vấn tài chính để tối đa hóa lợi nhuận.

NH số Cake tuy mới ra đời, nhưng đã nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và ra mắt sản phẩm Super Saver, nơi khách hàng có thể tiết kiệm thành từng gói nhỏ, nhưng vẫn có thể rút ra tiêu dùng khi cần đến mà không bị mất lãi phần còn lại. Công nghệ NH lõi thế hệ thứ 4 đã cho phép Cake ra mắt sản phẩm nhanh, linh hoạt và lấy khách hàng làm trung tâm như vậy.

Sự nhanh chân của các NH số mới này, cùng những thách thức từ công nghệ, cạnh tranh từ thị trường, cộng thêm việc dịch bệnh khiến NH sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn để duy trì tăng trưởng về khách hàng cũng như lợi nhuận, NH truyền thống không thể không thay đổi để đáp ứng và tìm kiếm cơ hội phát triển. Như cầu thủ kiêm huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng người Mỹ John Wooden - người đã xuất bản hàng loạt sách về nghệ thuật lãnh đạo, đã từng nói: "Thất bại không đồng nghĩa với kết thúc, nhưng mọi việc sẽ kết thúc nếu bạn không thay đổi".

Trong nguy có cơ

NH gặp thách thức với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, nhưng nếu NH CĐS, công nghệ số hiện đại cũng sẽ mở ra các cơ hội kinh doanh linh hoạt, đa dạng, gia tăng nguồn thu nhập cho NH.

Chuyển đổi số ngân hàng - lấy đà để bứt phá - 3
Nền tảng NH số trên điện toán đám mây sẽ mang lại nhiều lợi ích cho NH.

Theo ấn bản lần 2 về Fintech and Digital Banking 2025 Asia Pacific của IDC và Backbase, khoảng 60% NH ở châu Á TBD sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc học máy (ML) cho các quyết định do dữ liệu định hướng; đồng thời, phát triển hệ sinh thái, tích hợp với các giải pháp công nghệ tài chính từ thị trường đám mây, làm phong phú thêm các hoạt động từ hệ thống lõi của NH.

Không còn là lĩnh vực đặc thù, NH sẽ "nhúng" các sản phẩm tài chính vào các ứng dụng quen thuộc trong lối sống của khách hàng. Trong đó, cũng theo IDC và Backbase, bán lẻ và vận chuyển là 2 trong 6 hệ sinh thái lối sống được các NH lớn ở châu Á - TBD ưu tiên tích hợp .

NH số Cake như đã nói ở trên, đã hợp tác với nền tảng gọi xe công nghệ Be để tận dụng năng lực công nghệ, hệ sinh thái số và khả năng ứng dụng AI của công ty này. Cake "nhúng" trong các hoạt động của Be để thu hút tệp khách hàng và tài xế của Be mở tài khoản và sử dụng dịch vụ của mình. Ngược lại, khách hàng của Be sẽ được hưởng một dịch vụ xuyên suốt trên một ứng dụng, và nhiều ưu đãi khác. Ra đời trước NH số Cake khoảng nửa năm, NH số TNEX cũng đã tận dụng công nghệ số và lối sống của tệp khách hàng trẻ tuổi để xây dựng riêng cho mình một nền tảng gọi đồ ăn có tên "Khám phá hàng quán đường phố" ngay trên cùng ứng dụng NH. Sự kết hợp linh hoạt này giúp TNEX phát triển được hệ sinh thái, mang lại một trải nghiệm toàn diện, giúp khách hàng "ở lâu" với NH.

Giải pháp các NH số áp dụng trên đây là mô hình NH mở (Open banking) sử dụng công nghệ NH lõi thế hệ thứ 4 hiện đại như Cloud, Microservices, AI, ML, Open API, cùng với cách tiếp cận NH kết hợp (Composable banking). Đây là giải pháp NH số hoàn toàn trên nền tảng đám mây, mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho NH. Theo Mambu, nền tảng NH số trên điện toán đám mây sẽ giúp các NH cắt giảm được 35% nhân viên IT; giảm 80% thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường; cấu trúc kết hợp linh hoạt trên đám mây giúp đơn giản hóa hệ thống ứng dụng, và thời gian thu hồi lợi nhuận nhanh hơn công nghệ truyền thống tới 4 lần (12 tháng so với 4 năm).

Xu hướng, cơ hội và giải pháp đều đã mở ra cho các NH, như binh pháp Tôn Tử có viết "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". NH cần nhanh nhẹn, nhạy bén và linh hoạt như cách Fintech hoạt động để tăng cường khả năng tồn tại và cạnh tranh. Mặc dù hiện tại, vẫn còn một số lo ngại chính đáng về chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi số, và giới hạn do luật An ninh mạng quy định. Nhưng nếu không đầu tư để thay đổi, chi phí cơ hội sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

CĐS trong hệ thống NH sẽ cần một bước lấy đà: "Lấy đà" để thay đổi nhận thức về NH số, tăng cường năng lực lãnh đạo số, thay đổi thói quen quản lý, vận hành; "lấy đà" để đào tạo nhân sự; "lấy đà" để thay đổi từng phần trong kết cấu NH; "lấy đà" lại một khoản doanh thu để đầu tư cho CĐS và giảm chi phí trong đường dài…; nhưng đây sẽ là những bước "lấy đà" để ra tạo bước đà lớn cho NH bứt phá trong tương lai.

Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam