Chuyển dịch năng lượng bền vững: Cần có sự hợp lực
(Dân trí) - Việt Nam đang từng bước xây dựng lộ trình thực hiện cam kết giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững cần sự hợp tác của cộng đồng.
Xu thế phát triển năng lượng bền vững
Năm 2021, tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu ở London (COP26) đã nhấn mạnh: "Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".
Lựa chọn năng lượng bền vững là quyết tâm của những quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới thể hiện tại COP26. Cam kết của Việt Nam hướng đến lộ trình phát triển ít phát thải và phát thải ròng bằng "0" (Net-Zero) hoàn toàn phù hợp với xu thế, đặc biệt khi các nguồn tài chính quốc tế sẽ dịch chuyển từ phát triển điện than sang hỗ trợ nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo, bền vững, bảo vệ rừng và hệ sinh thái.
Vai trò của cơ quan quản lý
Trong hai ngày 22 và 23 tháng 11/2022 tại Hà Nội, lộ trình hướng đến Net-Zero đã được thảo luận tích cực tại Hội thảo "Đối thoại Quốc gia về chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ".
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, phối hợp cùng tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) do bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến đến từ các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế.
Nội dung các tham luận tham gia hội thảo chỉ rõ vai trò của cơ quan quản lý đối với lộ trình dịch chuyển năng lượng rất quan trọng, góp phần định hướng chính sách tổng thể, giám sát thực hiện và hỗ trợ các hoạt động chuyển dịch năng lượng.
Chủ trương giảm phát thải được đề xuất từ các bộ ngành như lộ trình Net-Zero trong giao thông vận tải, thúc đẩy carbon thấp cho ngành điện, áp dụng các chính sách tài chính xanh, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… sẽ góp phần thay đổi thực trạng sử dụng năng lượng của Việt Nam trong những năm tới đây.
Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Sự hợp lực chặt chẽ với quốc tế cùng cộng đồng
Để đạt được một cách toàn diện những mục tiêu đặt ra đồng thời giữ vững đà tăng trưởng, Việt Nam không chỉ cần có một chiến lược phù hợp mà còn phải thiết lập hợp tác chặt chẽ với các quốc gia phát triển có kinh nghiệm trong chuyển dịch năng lượng bền vững.
Ông Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam khẳng định tại hội thảo: "Việt Nam và Đức đều là những quốc gia tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo, với tỷ trọng năng lượng tiêu thụ tương đối cao trong cơ cấu nguồn điện. Tuy nhiên, những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong lộ trình giảm phát thải của ngành điện vẫn còn ở phía trước, đó chính là phát triển kịp thời hạ tầng lưới điện".
Những năm vừa qua, Đức đã có nhiều kinh nghiệm trong việc hiện đại hóa lưới điện nhằm tăng cường tích hợp điện mặt trời và điện gió vào hệ thống điện. Hợp tác giữa Việt Nam và Đức trên hành trình chuyển dịch năng lượng bền vững sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm thời gian và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn nhờ có sự chia sẻ kinh nghiệm giá trị trong đa dạng hóa cơ cấu năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào than, khí đốt.
Net-Zero là một cam kết quan trọng của Việt Nam, vì thế rất cần sự ủng hộ của doanh nghiệp trong nước cũng như cộng đồng. Trên hành trình đó, Đức đã và đang hỗ trợ Việt Nam thông qua Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và Dự án Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE). Sự hợp tác của các đối tác chiến lược như Đức đã, đang kết nối, thúc đẩy, phát triển các nguồn lực như chính sách, công nghệ, năng lực để Việt Nam từng bước chuyển dịch năng lượng bền vững thành công.