Chương trình “Chắp cánh thương hiệu Việt” sẽ được tổ chức quy mô và trang trọng
(Dân trí) - Đất nước hội nhập sâu, toàn diện vào nền kinh tế quốc tế, những tác động của nền kinh tế thế giới đến nước ta nhanh và mạnh hơn, sự cạnh tranh trên trường quốc tế cũng như nội địa với các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ Việt ngày càng gay gắt hơn.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay thế giới đã và đang xảy ra đại dịch toàn cầu Covid-19 gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy để nâng cao tiềm lực kinh tế cũng như vị thế quốc gia trên trường quốc tế thì ngoài các mục tiêu về chính trị - xã hội, nước ta cần phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Để nâng cao giá trị thương hiệu Việt buộc doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cũng như tiếp cận khách hàng theo nhiều kênh khác nhau; để thực hiện được điều đó doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam. Theo đó, dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật,...) để tạo ra không gian phát triển kinh tế mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử.
Chuyển đổi số giúp Việt Nam mở ra cơ hội đột phá trong phát triển, từng bước làm chủ được công nghệ, góp phần giúp nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế phát triển bao trùm và bền vững để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu đề ra của Chính phủ. Các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, môi trường,...chính là tiền đề cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới.
Chương trình “Chắp cánh thương hiệu Việt” nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp khoa học sản xuất thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, Viện văn hóa kinh doanh, Trung tâm thông tin và truyền thông doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí. Đây là cơ hội để quảng bá đến gần 100 triệu người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Đây là hoạt động thiết thực để tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng nội địa nhận diện và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ của hàng Việt; khuyến khích cộng đồng sản xuất hướng đến áp dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số trong thời đại 4.0 vào sản xuất kinh doanh để từng bước khẳng định giá trị thương hiệu Việt tại thị trường trong nước cũng như thế giới.