Chuỗi Soya Garden tiếp tục đóng nhiều cửa hàng ở Hà Nội, vì đâu nên nỗi?
(Dân trí) - Theo ghi nhận của Dân trí, chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ Soya Garden tiếp tục đóng một số cửa hàng tại khu vực Hà Nội.
Hầu hết các cửa hàng Soya Garden này đều có vị trí đắc địa, mặt bằng lớn với giá thuê đắt đỏ như ở phố Phạm Ngọc Thạch, Bà Triệu, Nguyễn Huy Tưởng…
Việc kinh doanh không hiệu quả cùng chi phí thuê mặt bằng cao ngất ngưởng thì cái kết phải “đóng cửa" là khó tránh khỏi đối với bất kỳ cửa hàng nào.
Xác nhận với Dân trí, đại diện phía Soya Garden cho biết có 28 cửa hàng đã đóng cửa hoàn toàn ở TP.HCM và Hà Nội. Một số cửa hàng khác đang trong diện “cân nhắc”.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin chuỗi cửa hàng Soya Garden đóng cả loạt cửa hàng, nhiều đồn đoán cho rằng hệ thống này sắp phá sản.
Một số ý kiến cho rằng, chưa bàn đến chất lượng dịch vụ thì sản phẩm cốt lõi của Soya Garden là đậu nành - rất khó để cạnh tranh với những đồ uống quen thuộc của giới trẻ như trà sữa, cà phê...
Bên cạnh đó, việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng của Soya Garden dấy lên nhiều tranh cãi trong giới F&B về cách vận hành của thương hiệu.
Trước thông tin nêu trên, đại diện Soya Garden phủ nhận tin đồn phá sản. Họ cho biết việc đóng cửa những cửa hàng không hiệu quả nhằm thực hiện tái cơ cấu chứ không phải "phá sản" như lời đồn thổi.
Tuy nhiên, đại diện Soya Garden cũng phải thừa nhận việc thay đổi xu hướng, khẩu vị của giới trẻ không phải dễ và cần rất nhiều thời gian.
Về kế hoạch sau chuyển đổi, được biết, hệ thống này sẽ chuyển sang mở kiot nhỏ theo mô hình “take away". Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi này cũng nên cân nhắc vì không nhiều khả quan.
Trước chuyển đổi, khách hàng bỏ tiền ra để mua trải nghiệm không gian, dịch vụ và sản phẩm (3 thứ) nên chấp nhận trả nhiều tiền. Khi chỉ còn “giao hàng” thì khách hàng sẽ chỉ còn nhận được 1 thứ là sản phẩm.
“Vậy thì họ có chấp nhận trả số tiền lớn như vậy nữa hay không? Đặc biệt là khi có thể mua sản phẩm gần tương tự từ các cửa hàng hay rổ gánh địa phương với giá rẻ hơn rất nhiều?”, vị chuyên gia đặt vấn đề.
Thay đổi là cần thiết, tuy nhiên mô hình kinh doanh sau khi chuyển đổi cũng cần được suy tính rất cẩn thận và căn cơ chứ không chỉ đơn giản là theo các “công thức thành công” giao hàng, chuyển đổi số, cắt giảm chi phí... một cách máy móc.
Trước đó, sau khi thành công kêu gọi vốn trên chương trình Shark Tank 2018, Soya Garden đã nhận được tổng cộng 100 tỷ đồng từ EGroup của Shark Thủy, rồi liên tiếp mở cửa hàng trong 2 năm 2018 và 2019.
Trong 1 lần trả lời phỏng vấn vào giữa năm 2019, CEO Soya Garden đã tiết lộ tham vọng mở 100 cửa hàng trong năm 2019 và 300 cửa hàng trong năm 2020 tại Việt Nam đồng thời sẽ đặt chân đến những thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.
Nguyễn Mạnh