Chứng khoán toàn cầu chao đảo

(Dân trí) - Chỉ một ngày sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tạo <a href="http://www.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/7/189445.vip">đỉnh mới</a>, ngày 27/7, chứng khoán toàn cầu chứng kiến một phiên sụt giảm mạnh.

Hầu hết các thị trường chứng khoán (TTCK) ở châu Á mất điểm sau khi thị trường Mỹ chứng kiến những phiên sụt giảm mạnh nhất trong năm, do các vấn đề nội tại của nền kinh tế. TTCK Nhật Bản bị tác động bởi việc đồng Yên lên giá và thông tin chưa rõ ràng về các cuộc bầu cử ở Thượng viện.

 

TTCK ở Hồng Kông, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Philippines cũng có diễn biến tương tự. Trong khi đó, giá cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục tạm thời ổn định.

 

Các nhà đầu tư có thái độ lo lắng sau khi các TTCK ở Mỹ giảm điểm mạnh vào ngày 26/7. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 311,5 điểm xuống 13.473,57 điểm - mức lớn nhất kể từ ngày 27/2, khi sự sụt giảm của thị trường Thượng Hải mào đầu cho đợt lao dốc của chứng khoán toàn cầu. Giới phân tích cho rằng để hạn chế rủi ro, các nhà đầu tư quốc tế đã rút vốn khỏi các hạng mục đầu tư nhiều mạo hiểm, trong đó có các thị trường mới nổi ở châu Á.

 

Ở Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 418,28 điểm, tương đương 2,36%, đóng cửa ở mức 17.283,81 điểm, gần bằng mức thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.

 

Giá cổ phiếu ở Philippine giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm - 3,9%, trong khi chỉ số chuẩn của thị trường Đài Loan còn giảm mạnh hơn - 4,2%, còn chỉ số của Úc cũng giảm 2,8% - tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2001.

 

Ngày 27/7, chỉ số SCI của thị trường Thượng Hải chỉ giảm 0,03% sau khi đã tạo đỉnh mới vào ngày 26/7.

 

Trong tuần vừa qua, ngoài Trung Quốc, các thị trường Hàn Quốc và Ấn Độ cũng tăng kỷ lục nên khi TTCK Mỹ sụt giảm, một số nhà đầu tư đã quyết định bán cổ phiếu để bảo toàn lãi.

 

Ngày 27/7, chỉ số chuẩn trên thị trường Hàn Quốc giảm 4,1% - mức giảm lớn nhất trong hơn 3 năm trở lại đây. Giá cổ phiếu ở Ấn Độ cũng giảm 3% trong phiên giao dịch buổi sáng. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 2,76%.

 

Tại Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki cố gắng xoa dịu lo ngại về tác động của TTCK Mỹ đối với nền kinh tế Nhật Bản.

 

"Nền kinh tế Nhật Bản đang phát triển ổn định và tôi không thấy có bất cứ biến động lớn nào ở các thị trường lớn khác," ông Shiozaki nói.

 

Trong khi đó, nhà chiến lược Hiroyuki Fukunaga của công ty chứng khoán Rakuten cho rằng việc đồng Yên tăng giá so với đồng đôla Mỹ tác động tới chỉ số Nikkei mạnh hơn là sự sụt giảm bất ngờ của TTCK Mỹ.

 

Phần lớn TTCK châu Âu, trong đó có Đức và Pháp, cũng sụt giảm do các nhà đầu tư quyết định bán cổ phiếu để giảm lỗ. TTCK Anh tăng nhẹ sau khi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 4 năm trở lại đây trong phiên hôm qua, 26/7. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,07% lên 6255,3 điểm.

 

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm tới 448 điểm trước khi tăng nhẹ trở lại, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7 ở mốc 13.473,57 điểm, giảm 2,26% so với hôm trước.

 

Đặng Lê

Theo AP