1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chứng khoán kiệt quệ dòng tiền sau 1 tuần HSX nới thời gian giao dịch

(Dân trí) - Đến sáng nay, VN-Index đã kéo dài chuỗi giảm 4 phiên liên tục, mất tổng cộng 16,26 điểm và ngưỡng hỗ trợ 489-490 trở nên khó giữ giữa lúc thanh khoản dần cạn kiệt. VAMC chính thức hoạt động không giúp các cổ phiếu tài chính ngân hàng cải thiện điểm.

VN-Index đã đánh mất hai ngưỡng quan trọng 500 điểm và 490 chỉ trong 1 tuần (ảnh minh hoạ).
VN-Index đã đánh mất hai ngưỡng quan trọng 500 điểm và 490 chỉ trong 1 tuần (ảnh minh hoạ).

Phiên giao dịch sáng cuối tuần (26/7/2013), VN-Index tiếp tục lùi thêm 1,88 điểm tương ứng mất 0,38% xuống 489,9 điểm, tiếp tục đánh mất mốc 490 điểm và ngưỡng hỗ trợ 489-490 trong phiên ngày hôm nay thực sự trở nên khó giữ. 

Nếu tính cả sáng nay, đây là phiên thứ 4 thị trường giảm điểm trong tuần đầu tiên HSX nới thời gian giao dịch.

Đà giảm của VN-Index diễn ra trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường càng ngày càng trở nên khan hiếm và kiệt quệ. Toàn phiên hôm qua, tiền đổ vào HSX không lên nổi 1.000 tỷ đồng, đến sáng nay, thanh khoản HSX mới đạt 22,9 triệu đơn vị tương ứng 474,5 tỷ đồng.

Nhìn lại 1 tuần giao dịch, VN-Index chỉ tăng điểm phiên đầu tiên, phiên này thị trường rơi vào tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” do số lượng mã giảm điểm rất lớn, vượt xa số mã tăng. Thậm chí phiên 24/7, chỉ số mất tới 10,11 điểm tương ứng 2%. Đà giảm tiếp tục trong lúc thanh khoản yếu đang là một mối lo ngại cho triển vọng các phiên tới.

Thời điểm hiện tại, số lượng mã giảm trên HSX là 127 mã, trong khi số mã tăng chỉ ở con số 48. Mặc dù, đây là ngày Công ty quản lý tài sản VAMC chính thức đi vào hoạt động (chậm hơn so với kỳ vọng) song diễn biến các mã tài chính ngân hàng không được khả quan. Trong khi STB, ACB, MBB chỉ đứng giá tham chiếu thì VCB, CTG, PVF, BVH đều giảm điểm.

Trong khi đó những trụ cột như MSN, VIC đều mất điểm còn VNM đứng giá. Duy có GAS tăng nhẹ 500 đồng/cp.

Rổ VN30, do có tới 21 mã giảm trong khi chỉ có 1 mã tăng nên bị mất tới 3,15 điểm tương ứng 0,58%, mức mất điểm cao hơn so với bình quân thị trường.

Các mã ngược dòng thị trường tăng mạnh trên HSX phiên này có SVI tăng 2.100 đồng, DHG tăng 2.000 đồng, TAC và DCL tăng 1.300 đồng/cp…

Thanh khoản yếu, chỉ có duy nhất hai mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị tại HSX là HAR và REE. HAR đang giảm sàn còn REE mất 300 đồng/cp. Tương tự, ở HNX, cũng chỉ có FLC và SHB khớp mạnh nhất với lần lượt 2,7 triệu và 1,5 triệu cổ phiếu. 

Sắp tới, ngày 29/7 sẽ là phiên giao dịch của FLC trên HNX để chuyển sang giao dịch trên HSX. Sau khi FLC chuyển sàn, PV2 được chọn trở lại vào HNX30. PV2 đang tăng trần và khớp lệnh 614,5 nghìn cổ phiếu, tuy nhiên thị giá của PV2 đang rất thấp với mức 2.600 đồng.

Với phân nửa số mã niêm yết trên HNX không hề phát sinh khớp lệnh đã khiến tổng khối lượng khớp lệnh toàn sản chỉ ở mức 14,75 triệu đơn vị tương ứng 108,5 tỷ đồng.

Lực mua khối ngoại trên cả hai sàn đều rất yếu, không mã nào được mua nổi 100 nghìn cổ phiếu. 

Diễn biến của thị trường trong tuần này trở nên đáng lo ngại khi vào đầu tuần tới HNX cũng sẽ áp dụng nới rộng thời gian giao dịch đến 15h cũng như bổ sung quy định về các lệnh giao dịch mới sẽ được áp dụng gồm: Lệnh thị trường giới hạn (MTL), Lệnh thị trường khớp hoặc hủy (MOK), Lệnh thị trường khớp và hủy (MAK), Lệnh giao dịch tại mức giá đóng cửa (ATC).

Mai Chi