1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán đỏ rực, gần 53.000 tỷ đồng chảy vào thị trường

Mai Chi

(Dân trí) - VN-Index có lúc mất đến hơn 30 điểm trong phiên hôm nay. Chốt phiên, thị trường đóng cửa tại 1.456,96 điểm. Thanh khoản kỷ lục khi tổng giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 53.000 tỷ đồng.

Hơn 700 mã cổ phiếu giảm giá

Suốt nửa tháng VN-Index giao dịch giằng co loanh quanh trong vùng hẹp 1.470 - 1.485 điểm với nền thanh khoản thấp, cuối cùng sự kiên nhẫn của nhà đầu tư cũng đến tới hạn. Hôm nay (23/12), bên nắm giữ cổ phiếu rốt cuộc đã "nhận thua" bên cầm tiền.

Áp lực bán mạnh  trên diện rộng khiến VN-Index lao dốc, có lúc mất hơn 30 điểm trước khi đóng cửa tại 1.456,96 điểm, giảm 20,71 điểm tương ứng 1,4%. VN30-Index giảm 26,75 điểm tương ứng 1,78% còn 1.477,37 điểm. Như vậy, với diễn biến giảm như hiện tại, VN30-Index đã tiệm cận với VN-Index.

Chứng khoán đỏ rực, gần 53.000 tỷ đồng chảy vào thị trường  - 1

Cặp cổ phiếu VIC - VHM giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

HNX-Index giảm 10,49 điểm tương ứng 2,32% còn 442,61 điểm; UPCoM-Index giảm 1,4 điểm tương ứng 1,26% còn 109,53 điểm.

Đáng chú ý là thiệt hại tại chỉ số của dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trung bình lại có phần nhẹ nhàng hơn so với VN30-Index và VN-Index. VNSML-Index giảm 13,08 điểm tương ứng 0,61%; VNMID-Index giảm 24,31 điểm tương ứng 1,13%.

Toàn thị trường có 706 mã giảm, 24 mã giảm sàn; tuy nhiên chiều ngược lại vẫn có tới 357 mã tăng, 47 mã tăng trần.

Rổ VN30 có 21 mã giảm, trong đó, SSI thiệt hại nặng nhất 4,1%; VHM giảm 3,7%; VIC giảm 3,6%. Loạt cổ phiếu ngân hàng cũng "rơi" thê thảm: HDB giảm 3,8%; VPB giảm 3,6%; TPB giảm 3,4%; TCB giảm 3,2%.

Việc cổ phiếu "họ" Vin giảm sâu là một trong những nguyên nhân kéo chỉ số suy giảm mạnh. Chỉ riêng và VHM và VIC đã lần lượt gây thiệt hại 3,09 điểm và 3 điểm cho VN-Index.

Với việc VIC giảm 3.600 đồng tương ứng 3,61% còn 96.000 đồng, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup - người giàu nhất Việt Nam - trong ngày giảm sút khoảng 7.761,3 tỷ đồng.

Thanh khoản tăng "sốc", cổ phiếu dòng chứng khoán vẫn giảm sâu

Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của NVL lên VN-Index là 1,51 điểm; TCB là 1,29 điểm; VPB là 1,19 điểm; MSN là 0,93 điểm và DIG là 0,88 điểm.

Dòng bất động sản phân hóa. Trong khi DXG, DIG, DTA giảm sàn; HDC giảm 6,9%; AMD giảm 6,9%; VRC giảm 6,7%; HPX giảm 6,3%... thì vẫn còn một loạt mã tăng trần, đi ngược thị trường. VPH, DRH, SGR, LDG, HAR, TLD tăng kịch biên độ trên HSX, nhiều mã không có dư bán; FDC tăng 6,7%; CRE tăng 5,2%; QCG tăng 4,9%; CCL tăng 3,6%; TDH tăng 2,8%.

Trong khi đó, nhóm "bank (ngân hàng) - chứng - thép" cũng không phát huy được vai trò nâng đỡ thị trường, thậm chí còn khiến tình hình tệ hơn.

Nhóm chứng khoán có một số mã chạm sàn trước khi hồi phục, thu hẹp thiệt hại vào cuối phiên: CTS, VIG, AGR, HBS. Nhiều mã trong ngành này đóng cửa giảm sâu: APS giảm 9,5%; BMS giảm 6,9%; ORS giảm 6,7%; FTS giảm 6,4%; CTS giảm 6,1%; ART giảm 5,9%; BSI giảm 5,8%.

Cổ phiếu thép ngoại trừ HSG tăng 2,2%; VIS tăng 1,1% còn lại đều giảm giá: NKG giảm 3,5%; TIS giảm 2,3%; POM giảm 2%; TVN giảm 1,9%; MEL giảm 1,7%.

Bên cạnh đó, dòng phân bón cũng hạ nhiệt: DPM thu hẹp đà tăng 2,8%; DCM tăng nhẹ 0,1%, nhóm còn lại là VAF, DDV, PSE, PMB, PSW, BFC bị điều chỉnh khá sâu.

Chứng khoán đỏ rực, gần 53.000 tỷ đồng chảy vào thị trường  - 2

Thanh khoản thị trường tăng đột biến (Ảnh chụp màn hình).

Điểm nhấn trong phiên hôm nay chính là sự gia tăng đột biến của thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt gần 53.000 tỷ đồng.

Dòng tiền lao vào bắt đáy đã đẩy thanh khoản trên sàn HSX lên mức 1,36 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 45.562,06 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 161,99 triệu cổ phiếu tương ứng 4.480,15 tỷ đồng; UPCoM có 126,03 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.588,53 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm