1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán "đỏ lửa" vì tin từ Ukraine, nhà đầu tư vẫn hốt bạc vì điều này

Mai Chi

(Dân trí) - Những ai dùng lệnh MP trong nhịp giảm sâu của VN-Index hẳn đang hối tiếc. Trong khi đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dầu khí và phân bón đều thắng lớn giữa lúc thị trường "đỏ lửa".

VN-Index có lúc mất 36 điểm, tiền ồ ạt vào "bắt đáy"

Với những tác động của thông tin căng thẳng tại Ukraine, các thị trường tài sản chứng khoán và tiền điện tử đồng loạt giảm sốc. Tại Việt Nam, VN-Index có nửa phiên sáng tương đối yên ả khi chỉ số đi ngang quanh ngưỡng tham chiếu.

Tuy nhiên, khi các thông tin về việc quân đội Nga đã tiến vào Ukaine được đăng tải dày đặc trên các phương tiện truyền thông thì thị trường đã phản ứng rất tiêu cực. Áp lực bán gia tăng khiến VN-Index nhanh chóng mất mốc 1.500 điểm.

Đầu phiên chiều, lệnh MP (lệnh khớp theo giá thị trường) dồn dập, nhiều cổ phiếu bị bán tháo và giảm sàn. VN-Index lao thẳng đứng, có lúc về sát 1.476 điểm tương ứng mất khoảng 36 điểm. Tuy nhiên, tại đây lực cầu bắt đáy cũng gia tăng mạnh mẽ khiến chỉ số rút ngắn thiệt hại.

Chứng khoán đỏ lửa vì tin từ Ukraine, nhà đầu tư vẫn hốt bạc vì điều này - 1

Nhà đầu tư thiệt hại lớn khi bán lệnh MP bán tháo ở đầu phiên chiều (Ảnh chụp màn hình).

Đóng cửa, VN-Index giảm 17,45 điểm tương ứng 1,15% còn 1.494,85 điểm và vẫn giữ được mốc trên 1.490 điểm. VN30-Index giảm 16,79 điểm tương ứng 1,09% còn 1.522,04 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index giảm 7,66 điểm tương ứng 1,73% còn 434,88 điểm; UPCoM-Index giảm 1,19 điểm tương ứng 1,05% còn 112,32 điểm. Nhìn chung thiệt hại cuối phiên của thị trường vẫn lớn nhưng điểm tích cực là chỉ số đều hình thành nến rút chân.

Sắc đỏ bao trùm thị trường với tổng cộng 805 mã giảm giá trên cả 3 sàn nhưng chỉ có 18 mã giảm sàn. Qua đó cho thấy lực bán tháo về cuối phiên đã giảm bớt. Đồng thời, thị trường cũng ghi nhận có 263 mã tăng, 45 mã tăng trần.

Với dòng tiền bắt đáy đổ vào "săn" cổ phiếu giảm giá, thanh khoản trên các sàn đều "bùng nổ". Giá trị giao dịch trên HoSE được đẩy lên mức 35.020,44 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 1,16 tỷ cổ phiếu. Trong khi đó, HNX cũng có 158,82 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 4.741,22 tỷ đồng và UPCoM có 115,39 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.424,22 tỷ đồng.

Cổ phiếu phân bón, dầu khí "đua trần"

Bất chấp áp lực bán mạnh ở các dòng cổ phiếu khác, riêng dòng phân bón vẫn phủ ngập sắc tím trên bảng điện. Hàng loạt cổ phiếu tăng kịch trần và do những mã này niêm yết trên sàn UPCoM nên nhà đầu tư thắng lớn: LAS, PMB, PSW, PCE, PSE đồng loạt tăng trần với biên độ suýt soát 10%. DDV cũng đạt được mức tăng 6,7%.

Bên cạnh đó, 2 "ông lớn" là DCM và DPM tiếp tục tăng trần trên HoSE. VAF tăng trần; NFC tăng 6,1%; BFC tăng 5,5%.

Chứng khoán đỏ lửa vì tin từ Ukraine, nhà đầu tư vẫn hốt bạc vì điều này - 2

Cổ phiếu dòng phân bón "đua trần".

Cổ phiếu ngành dầu khí tiếp tục hưởng lợi do giá dầu tăng cao. PVB, PVC tăng kịch biên độ trên sàn HNX, lần lượt đóng cửa tại 23.500 đồng và 19.500 đồng; PVD tăng 6,27%; PVS tăng 4,82%; PLX tăng 1,4%.

Giới đầu tư đang kỳ vọng doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí và phân bón của Việt Nam sẽ được hưởng lợi do nền giá thế giới được đẩy lên cao giữa bối cảnh Nga được đánh giá là cường quốc về dầu khí và phân bón.

FRT thêm một phiên đi ngược thị trường, "miễn nhiễm" bởi tình hình địa chính trị thế giới. Mã này tăng trần lên 124.700 đồng, không ngừng thiết lập đỉnh mới.

Nhiều cổ phiếu "rút chân", thoát sàn

Dòng cổ phiếu bất động sản sau khi hồi phục ở những phiên trước thì đã bị tác động đáng kể với những tin tức nhạy cảm vào thời điểm hiện tại. Trong phiên hàng loạt cổ phiếu chạm mức giá sàn như HTN, KHG, LGL, CKG, ITA, FLC, VPH, DIG, QCG, NBB, HQC, HAR… song các cổ phiếu này đã nhanh chóng thu hẹp được thiệt hại khi VN-Index hồi phục vào cuối phiên.

Chứng khoán đỏ lửa vì tin từ Ukraine, nhà đầu tư vẫn hốt bạc vì điều này - 3

Mặc dù thị trường nhuốm đỏ song chỉ có 18 mã đóng cửa trong tình trạng giảm sàn (Ảnh chụp màn hình).

Tại nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản, LCM và DLG đóng cửa giảm sàn, một số mã thoát sàn như TNA, HAP, SVT nhưng vẫn giảm khá mạnh. Cổ phiếu thép gồm HPG, HSG, NKG cũng giảm giá.

Dòng ngân hàng không có mã nào giảm sàn. Mã giảm lớn nhất là LPB với mức giảm 3,4%; TPB giảm 3,2% trong khi có 2 mã tăng là VPB và EIB với mức tăng lần lượt là 2,8% và 1,8%.

Cổ phiếu ngành chứng khoán do mang tính thị trường nên hầu hết giảm giá. PHS giảm 8,3%; CSI giảm 5,7%; APS giảm 5,2%; ART giảm 4,5%... nhưng vẫn có những mã đạt được trạng thái tăng giá. VDS có lúc giảm sàn nhưng cuối phiên mã này vẫn tăng 4,6%; TVB tương tự có khi giảm sàn về 21.300 đồng nhưng đóng cửa lại đạt được trạng thái tăng 2,4% lên 23.400 đồng; VND tăng 2,2%; CTS tăng 1,2%.

Về tác động của tình hình căng thẳng tại Ukraine, các chuyên gia cho rằng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Việt Nam do kim ngạch thương mại của Việt Nam với các đối tác này không lớn. Hơn nữa, lịch sử của thị trường chứng khoán thế giới cũng cho thấy, tin tức về chiến sự, căng thẳng chính trị thường chỉ tác động tới thị trường trong ngắn hạn và sau đó chứng khoán đều hồi phục.

Theo ông Petri Deryng - người quản lý quỹ Pyn Elite - thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình tại Ukraine. Ông Petri Deryng còn đưa ra nhận định, chứng khoán Việt Nam trong vòng 5 năm tới sẽ hướng đến vùng 2.500 điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm