Chứng khoán đang hưng phấn thì “sập sàn”: Bức xúc vì... thái độ

(Dân trí) - Sau hai ngày xảy ra sự cố hi hữu khiến sàn giao dịch chứng khoán TPHCM ngừng giao dịch, các thành viên tham gia thị trường bị thiệt hại lớn, song ngoài những thông báo, HoSE không hề có một lời xin lỗi nào, không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm, điều này khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra bức xúc.

Thiệt hại lớn, không một lời xin lỗi

Đến cuối ngày 24/1, sau hơn 2 ngày sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) phải đóng cửa để khắc phục sự cố thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức thông báo sự hoạt động trở lại của sàn này từ ngày 25/1. Theo đó, giá tham chiếu cho phiên giao dịch ngày 25/1 là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch 22/1. Trong trường hợp ngày 22/1 không có giá khớp lệnh, giá tham chiếu cho ngày giao dịch 25/1 là giá đóng cửa của ngày 19/1.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra giận dữ và không thực sự thoả mãn. Anh Phạm Văn Phương, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng: “Những người tham gia thị trường cần một lời xin lỗi và giải thích thấu đáo hơn từ phía lãnh đạo HoSE. Việc Uỷ ban chứng khoán và Sở GDCK TPHCM chỉ đưa ra những thông báo trống không, vô cảm khiến chúng tôi cảm thấy thất vọng về cung cách làm việc của những cơ quan này, đặc biệt là HoSE khi họ cũng chỉ là một doanh nghiệp”.

Giới đầu tư đang chờ đợi một lời xin lỗi từ HoSE (ảnh: Bloomberg).
Giới đầu tư đang chờ đợi một lời xin lỗi từ HoSE (ảnh: Bloomberg).

Anh Quang Phan, một nhà đầu tư khác nhận xét, thật khó tin khi trong nền cách mạng công nghiệp 4.0 mà HoSE lại không có hệ thống dự phòng. “Thiệt hại đối với nhà đầu tư rất lớn, liệu ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?”, anh này bức xúc.

Theo số liệu từ Bloomberg, thị trường cổ phiếu niêm yết trên HOSE giao dịch khoảng 319 triệu USD mỗi ngày trong tháng vừa qua. Một số tính toán cho thấy, với mức phí giao dịch trung bình 0,2-0,3% mà các công ty chứng khoán đang thu của nhà đầu tư thì mỗi một phiên HoSE nghỉ giao dịch, các công ty chứng khoán có thể bị thiệt hại từ 18 tỷ đến 30 tỷ đồng.

Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư nhỏ lẻ và sử dụng vay ký quỹ (margin). Những người sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính với tỷ lệ lớn sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng vì áp lực trả lãi suất theo ngày do không thể bán cổ phiếu để thu về tiền mặt. Thậm chí, còn có trường hợp vay “nóng” tín dụng đen để chơi chứng khoán. Đó là chưa kể đến những thiệt hại về cơ hội đầu tư trong bối cảnh thị trường đang trong đà tăng mạnh,

Nhiều ý kiến từ giới luật sư cho rằng, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể đâm đơn kiện đối với HoSE khi chứng minh bị ảnh hưởng về quyền lợi kinh tế.

“Nghẹt thở” chờ diễn biến cung – cầu phiên 25/1

Nói trên Bloomberg, ông Tyler Cheung, Giám đốc bộ phận khách hàng tổ chức tại Công ty chứng khoán ACB nhận xét, đây chính là chuỗi ngừng hoạt động kéo dài nhất của HOSE kể từ thời điểm “sập sàn” 3 ngày hồi tháng 5/2008 cũng do trục trặc kỹ thuật.

“Việc đóng cửa thị trường trong nhiều ngày có thể sẽ gây ảnh hưởng lên tâm lý thị trường, đặc biệt là với những nhà đầu tư nước ngoài gần đây tham gia hoặc đang có kế hoạch muốn tham gia thị trường tại Việt Nam” – vị này cho hay.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc sàn HOSE đóng cửa 2 ngày liên tiếp có thể gây các tác động tâm lý nhất định đến nhà đầu tư sau khi sàn mở cửa trở lại. Mặc dù vậy, BVSC vẫn tỏ ra lạc quan: Xu hướng tăng điểm của thị trường trong trung hạn vẫn được duy trì với việc hàng loạt các doanh nghiệp lớn trên sàn mới đây công bố kết quả kinh doanh 2017 tăng trưởng mạnh.

Nhiều nhà đầu vẫn tỏ ra lo lắng vì lượng cổ phiếu về tới tài khoản nhà đầu tư sau 3 phiên là cực lớn. Dưới áp lực vay margin, không ít nhà đầu tư có thể sẽ thực hiện lệnh bán để chốt lãi. Nếu lệnh bán quá nhiều, cầu không hấp thụ hết thì sẽ có rủi ro cho VN-Index.

“Một phiên giao dịch 10.000 tỷ đồng, dồn ứ lại 3 phiên là 30.000 tỷ đồng. Liệu cầu trên thị trường có hấp thụ nổi khối lượng cổ phiếu khổng lồ này”, một nhà đầu tư thấp thỏm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến, rằng với diễn biến của sàn Hà Nội (HNX) trong 2 phiên vừa qua, nhất là phiên 24/1 sàn này giảm điểm cho thấy dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường vẫn chờ sự trở lại của HoSE.

Và, có một cái “may” trong sự cố này, đó là trong hai ngày 23 và 24/1, không có cổ phiếu nào “ra mắt” sàn HoSE.

Bích Diệp

Chứng khoán đang hưng phấn thì “sập sàn”: Bức xúc vì... thái độ - 2