Chứng khoán bật tăng mạnh nhờ hiệu ứng TPP
(Dân trí) - Đón nhận thông tin tích cực từ TPP, trong phiên giao dịch sáng nay 6/10, cổ phiếu các ngành như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, phân phối ô tô, cảng biển, logistic “bùng nổ” đã giúp hai chỉ số bật tăng mạnh mẽ.
Mặc dù triển vọng khép lại vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được giới đầu tư đón đầu cách đây một số phiên song khi thông tin chính thức “bung” ra, thị trường chứng khoán sáng nay vẫn bật tăng rất mạnh.
Khép lại phiên giao dịch sáng 6/10, chỉ số VN-Index tăng 8,56 điểm tương ứng 1,5% lên 578,56 điểm; trong khi đó, HNX-Index tăng 0,97 điểm tương ứng 1,23% lên 79,79 điểm. Trong khi số mã tăng trên sàn thành phố Hồ Chí Minh (HSX) gấp 3 lần số mã giảm thì tỉ lệ này trên sàn Hà Nội (HNX) cũng đạt xấp xỉ 2 lần.
Thanh khoản hai sàn đạt cao với khối lượng giao dịch tại HSX vượt 100 triệu cổ phiếu và có hơn 36 triệu cổ phiếu được giao dịch tại sàn HNX. Dòng tiền "đổ" mạnh vào mua cổ phiếu bất chấp giá tăng với 1.766,4 tỷ đồng trên HSX và 391,2 tỷ đồng trên HNX.
Trước đó, sau 30 phút mở cửa, VN-Index đã tăng 6,51 điểm tương ứng tăng 1,14% với hơn 140 mã tăng giá trong khi chỉ có 24 mã giảm. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 0,96 điểm tương ứng 1,21%.
Đáng chú ý, đầu phiên giao dịch sáng nay, các mã chứng khoán của các doanh nghiệp dự kiến hưởng lợi từ TPP phủ xanh hai sàn. Cụ thể, FMC, VHC hiện tăng 1.200 đồng, TCM tăng 1.700 đồng, GMC tăng 2.600 đồng, GDT tăng 1.900 đồng… Mặc dù, vốn hóa của các doanh nghiệp hưởng lợi từ TPP chiếm tỉ trọng không lớn nhưng rõ ràng thông tin tích cực này đã “thổi” một luồng sinh khí mạnh mẽ lên thị trường chứng khoán sáng nay.
Đàm phán Hiệp định TPP giữa Việt Nam và 11 quốc gia khác là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ đã chính thức khép lại. Dự kiến khi được ký kết, Hiệp định này sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế các quốc gia thành viên. Theo ước tính, GDP các nước trong TPP chiếm đến 40% GDP toàn cầu, trong đó có hai cường quốc là Nhật Bản và Mỹ.
Giới phân tích dự báo, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này. Trong đó, các ngành như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, phân phối ô tô, cảng biển, logistic… sẽ hưởng nhiều lợi ích trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thức ăn chăn nuôi, dược, mía đường sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Ngoài ra, vượt qua khuôn khổ của một hiệp định thương mại, TPP còn là xương sống về kinh tế trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, trong bối cảnh đối thủ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực cũng như toàn cầu.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này.
“Tôi tin tưởng vững chắc rằng, TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”, ông Hải cho hay.
Bích Diệp