Chứng khoán 19/1: Áp lực bán dần cạn, mua cổ phiếu cho sau Tết?
(Dân trí) - Theo thống kê, sóng tăng của thị trường sau kỳ nghỉ Tết đã diễn ra 5/6 lần trong giai đoạn 2016- 2021 (ngoại trừ năm 2020 thị trường giảm do Covid19).
Cung - cầu thị trường đang dần tìm lại điểm cân bằng
Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)
Chỉ số VN-Index nối dài đà giảm điểm, kết phiên mất gần 1% xuống mốc 1.439 điểm. Thanh khoản thị trường thấp hơn 36% so với phiên trước đó, thể hiện tâm lý thận trọng của dòng tiền đầu tư.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ ngành bất động sản - xây dựng vẫn chịu áp lực bán mạnh với nhiều mã tiếp tục dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu. Ngược lại, lực cầu duy trì tại nhóm ngành ngân hàng, dầu khí và phân bón khi các nhóm này trở thành trợ lực chính nâng đỡ chỉ số trong phiên giao dịch hôm qua.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số đã hình thành cây nến Doji ngay sau khi chạm đường hỗ trợ trung hạn MA100, thể hiện trạng thái cung - cầu thị trường đang dần tìm lại điểm cân bằng. Các chỉ báo động lượng MACD, RSI ngắn hạn cũng đang tiến về ngưỡng quá bán, vì vậy Agriseco Research kỳ vọng thị trường sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong những phiên tới.
Trước mắt, Agriseco duy trì quan điểm nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp hồi phục để hạ bớt tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ và chưa nên bắt đáy nhóm này khi chưa có tín hiệu rõ ràng từ thị trường.
Ngược lại, nhiều cổ phiếu blue-chip đầu ngành đã điều chỉnh về mặt bằng giá hấp dẫn, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng để đón sóng kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2021.
Hướng đến sóng tăng của thị trường có thể diễn ra sau kỳ nghỉ Tết
Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)
Thị trường giảm phiên thứ tư liên tiếp nhưng điểm tích cực có thể thấy là khối ngoại quay trở lại mua ròng với khoảng 900 tỷ đồng trên hai sàn. Thanh khoản tiếp tục suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên trong phiên thứ ba liên tiếp cho thấy áp lực bán đang dần cạn kiệt.
Thị trường giảm hôm qua một phần do lực cầu đang khá yếu ở thời điểm sắp đến kỳ nghỉ Tết. Với phiên giảm này thì VN-Index đã rơi về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.400-1.450 điểm (tương ứng với vùng đáy của thị trường trong tháng 12/2021).
Kết hợp với nền tảng thanh khoản thấp như hiện tại, khả năng thị trường tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới là thấp. VN-Index có thể sẽ bước sang giai đoạn giằng co với biên độ trong khoảng 1.400-1.450 điểm và nếu bứt phá lên trên ngưỡng 1.450 điểm thì có thể kỳ vọng vào một nhịp hồi phục.
Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 và đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong phiên hôm qua có thể tiếp tục canh những nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm (nếu có) trong phiên 19/1 để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nhằm hướng đến sóng tăng của thị trường có thể diễn ra sau kỳ nghỉ Tết. Theo thống kê, điều này đã diễn ra 5/6 lần trong giai đoạn 2016- 2021 (ngoại trừ năm 2020 thị trường giảm do Covid19).
Thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong ngắn hạn
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động quanh ngưỡng 1.450 điểm. Đồng thời, chỉ báo tâm lý giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy rủi ro ngắn hạn có chiều hướng giảm dần và thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong ngắn hạn.
Điểm tích cực mà YSVN nhận thấy là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán ra ở giai đoạn này và ưu tiên chiến lược hạ margin tại các nhịp hồi. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên bắt đáy hoặc mua mới ở giai đoạn này.
Tiếp tục thu hẹp đà giảm và phục hồi trong các phiên cuối tuần
Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường đã giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp, chuỗi giảm tương đương đầu năm 2021. Chỉ số VN-Index đã giảm hơn 110 điểm, tương đương giảm 7,28% kể từ mức đỉnh. Tín hiệu tích cực lúc này là đà giảm đã chững lại nhờ nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí như VCB, BID, GAS,…
Thông thường sau nhịp giảm sâu thì điều cần chú ý là đà giảm chậm lại, thanh khoản thấp dần do áp lực bán giảm, thị trường cần có sự phân hóa và xuất hiện nhóm cổ phiếu dẫn dắt, ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, phân bón,… đang có nhiều tín hiệu khả quan, có thể thay nhau kiềm chế áp lực giảm từ thị trường.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có phiên retest thành công ngưỡng MA100 lần thứ 5. MBS cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục thu hẹp đà giảm và phục hồi trong các phiên cuối tuần.
Kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường nhưng vẫn cần thận trọng
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Nhìn chung, VN-Index vẫn theo chiều hướng xấu nhưng mức đà giảm đang chậm lại với trạng thái thăm dò giữa cung và cầu. Trong đó, nhóm VN30 đang nỗ lực cân bằng thị trường.
Với đà giảm tạm thời không còn mạnh, thị trường có khả năng sẽ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, diễn biến hồi phục có thể sẽ chưa mạnh và tạm thời mang tính chất thăm dò và kiểm tra cung cầu. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường nhưng vẫn cần thận trọng do nhìn chung thị trường đang trong vị thế không tốt và chưa có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt.
Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.