Chung cư CT1 Trung Văn: Sập trần, phòng trực cứu hoả "biến" thành ki-ốt cho thuê

(Dân trí) - Tòa nhà CT1 Trung Văn, Vinaconex 3 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có mức giá trung bình 21 - 23 triệu đồng/m2 và mới đưa vào sử dụng từ tháng 7/2016. Tuy nhiên, cư dân tại đây đã rất bức xúc cho rằng có rất nhiều sai phạm và không những vậy sự cố nghiêm trọng về chất lượng công trình cũng đã xảy ra.

Biến phòng trực cứu hoả thành ki-ốt cho thuê

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Đôn, Trưởng ban quản trị tạm thời của tòa CT1 Trung Văn cho biết, đầu tiên là việc chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ và xâm phạm khu vực chung, ảnh hưởng tới quyền lợi của các cư dân.

Theo ông, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi phần diện tích của 3 phòng trực cứu hỏa thành ki-ốt để cho thuê mà không hề trao đổi với cư dân. Và điều này còn vi phạm hợp đồng mua bán và sai với thiết kế ban đầu.

Phần diện tích 3 phòng trực cứu hỏa ban đầu đã bị chủ đầu tư tự ý chuyển thành ki-ốt để cho thuê
Phần diện tích 3 phòng trực cứu hỏa ban đầu đã bị chủ đầu tư tự ý chuyển thành ki-ốt để cho thuê

Theo hợp đồng mua bán căn hộ chung cư CT1 thì phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư bao gồm toàn bộ diện tích tầng 1 trừ diện tích sảnh lối vào chung cư khoảng 724,95 m2 và phần diện tích phòng quản lý khoảng 187,14 m2 và toàn bộ phần diện tích tầng kỹ thuật của 23 tầng trừ diện tích phòng sinh hoạt cộng đồng khoảng 290 m2.

Cửa kính chết của phòng trực cứu hỏa bị phá ra để làm lối ra vào
Cửa kính chết của phòng trực cứu hỏa bị phá ra để làm lối ra vào

Theo hợp đồng mua nhà và theo cách hiểu của cư dân thì phần diện tích phòng quản lý khoảng 187,14 m2 là bao gồm các phòng Công an, phòng Y tế và 3 phòng trực cứu hỏa.

Đáng chú ý hơn, theo ông Đôn, bồn hoa là tiện ích chung đã bị phá dỡ để làm lối đi cho ki-ốt vì cửa phía trong hành lang là không gian chung nên không thể kinh doanh (theo thiết kế ban đầu với cư dân, cửa kính phía trong thiết kế là dành cho phòng trực cứu hỏa).

Khi cư dân tại đây có khiếu nại lên chủ đầu tư thì nhận được câu trả lời là: “Chúng tôi có toàn quyền thay đổi chức năng của tầng 1 kể cả bồn hoa, cây cảnh”.

Lạ lùng hơn theo lời kể của anh Trần Ngọc, cư dân tại tòa nhà CT1, trong lúc 40 cư dân tại đây xuống ngăn chặn phá dỡ và bảo vệ không gian chung của họ là các bồn hoa, thì đã xuất hiện 5 đến 6 người “mặc áo đen” đứng bên ngoài ngăn cản. Nhưng khi những người áo đen được hỏi là ai và có thẩm quyền gì để ngăn cản người dân thì chỉ trình ra một vài tờ giấy không có ý nghĩa gì rồi lảng đi mất.


Xưởng may đã dọn đi từ hôm 14/11

Xưởng may đã dọn đi từ hôm 14/11

Ngoài ra, các cư dân tại đây cũng cho biết, chủ đầu tư đã cho một đơn vị thuê mặt bằng tại tầng một để mở xưởng cắt, may và sản xuất đồ may mặc. Điều này dẫn đến nguy cơ cao xảy ra hỏa hoạn và ô nhiễm về môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của cư dân tại đây. Tuy nhiên, khi phóng viên Dân Trí đến thì xưởng may mặc đã dọn đi sạch sẽ.

Điều đáng lo ngại nhất tại đây đó là các hạng mục về PCCC và phòng sinh hoạt cộng đồng chung chưa được nghiệm thu và bàn giao sử dụng. Cư dân đã nhiều lần khiếu nại với chủ đầu tư đòi quyền lợi nhưng vẫn chưa có sự thay đổi.

PV Dân Trí đã có trao đổi với người phát ngôn của Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 – Vinaconex3 về vấn đề xảy ra tại chung cư CT1 Trung Văn. Người đại diện cho biết, Vinaconex 3 đã gửi bản vẽ mới về việc thay đổi mục đích sử dụng so với ban đầu và có dấu đỏ của Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội cho cư dân ở đây và không trả lời thêm.

Tuy nhiên, các hộ dân sinh sống tại đây vẫn vô cùng lo lắng vì việc chủ đầu tư thay đổi 3 phòng trực cứu hỏa thành ki-ốt cho thuê liệu có đảm bảo được yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và đảm bảo được an toàn cho cư dân nếu không may hỏa hoạn xảy ra.

Sập trần ở hành lang tầng 19

Vào khoảng 6 giờ tối thứ 2 ngày 14/11 vừa qua, khi 3 cháu nhỏ có độ tuổi chỉ từ 1 đến 3 tuổi vừa chạy vào nhà sau khi chơi đùa ngoài hành lang thì cả một mảng trần thạch cao rất lớn đổ ụp xuống kéo theo cả dây điện và bóng đèn, rất may cả 3 cháu đều may mắn thoát nạn.

Sự việc nghiêm trọng trên xảy ra ngay tại tầng 19 tòa nhà CT1C Trung Văn, Vinaconex 3. Vụ việc đã gây sự hoang mang rất lớn cho cư dân tại khu chung cư này vì họ chẳng biết đến lúc nào thì tai họa sẽ ập xuống trước cửa nhà mình.

Hình ảnh được anh Tuân chụp lại ngay sau khi trần sập
Hình ảnh được anh Tuân chụp lại ngay sau khi trần sập

Theo lời kể của anh Lê Anh Tuân (P1919) tòa nhà CT1C đã có mặt và chứng kiện toàn bộ vụ việc lúc đó, thì khoảng 6 giờ tối, 2 cháu nhà anh trong đó một cháu hơn 1 tuổi và cháu hơn 3 tuổi cùng 1 cháu nhà anh Nguyễn Thành Trung (P1918). Cả 3 cháu vừa chơi trước cửa nhà xong và đi vào trong nhà thì trần hành lang bắt đầu đổ sập xuống kéo theo khung sắt, bóng đèn hành lang và dây điện rơi ầm ầm xuống dưới.

Các dây điện màu đen, to và nặng cũng là nguyên nhân làm sập trần
Các dây điện màu đen, to và nặng cũng là nguyên nhân làm sập trần

Sáng ngày 15/11, đã có người lên xử lý nhưng chỉ làm lại trần thạch cao chứ không xử lý nguyên nhân tại sao trần lại sập. Một công nhân thi công trần thạch cao cho biết, trần không có vấn đề gì nhưng nguyên nhân sập là do các dây điện rất to và nặng không được treo lên mà tì xuống trần. Lâu ngày bị dây lên tì lên, nên trần thạch cao không chịu được cộng với hệ thống chữa cháy bị võng xuống tì vào trần nên dẫn tới sự việc trên.

Anh Tuân cho biết, bình thường có đến 6, 7 cháu thường chơi ở đây nhưng rất may mắn là hôm qua không có ai bị nạn. Kể cả người lớn ở đấy cũng rất nguy hiểm chứ chưa nói đến các cháu nhỏ vì lúc cầm dây điện lên vẫn thấy nổ lách tách ở đoạn dây bị đứt.

"Ngay sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã gọi cho ban quản lý chung cư đến xử lý nhưng chỉ có 1 bảo vệ lên xem và cũng mãi đến sáng hôm sau mới có người đến xử lý mặc cho 2 gia đình ở đây rất hoang mang vì không biết còn gì có thể sập xuống nữa không", vợ anh Tuân bức xúc chia sẻ.

Trước đó một thời gian, mọi người ở đây đã nhìn thấy trần hành lang võng xuống nhưng không biết nguyên nhân và cũng không ngờ là lại xảy ra tai nạn trên. Vụ việc xảy ra đã đánh một dấu hỏi lớn cho chất lượng thi công của tòa nhà này nói riêng và của Vinaconex 3 nói chung.

Thế Hưng