Chuẩn bị đưa cổ phiếu OTC vào “guồng”
Từ tháng 7/2007 việc giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (thị trường phi tập trung - OTC) phải thông qua các công ty chứng khoán, OTC sẽ có sàn giao dịch riêng nhằm nâng cao tính thanh khoản và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT).
Tại Diễn đàn “Doanh nghiệp và Chứng khoán” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TPHCM tổ chức ngày 14/4, ông Bùi Nguyên Hoàng - Trưởng đại diện VP Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM cho biết, trong tháng 7 này sẽ có sự điều chỉnh lại trong thị trường chứng khoán.
Cụ thể, sẽ chuyển Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TPHCM thành Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và có 2 thay đổi chính diễn ra từ việc chuyển dịch cơ cấu này: chuyển từ khớp lệnh định kỳ lên khớp lệnh liên tục (bắt đầu thực hiện từ ngày 7/5/2007) và cổ phiếu của các công ty đại chúng (có vốn điều lệ trên 10 tỉ đồng và có ít nhất 100 NĐT tham gia góp vốn) phải lưu ký cho công ty chứng khoán. Cũng theo ông Hoàng, việc điều chỉnh này nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT cổ phiếu OTC.
Theo ông, cần phân biệt rõ giữa thị trường OTC và “thị trường trao tay”. “Thị trường trao tay” hoàn toàn là tự phát, do một doanh nghiệp hay cá nhân nào đó tự rao bán cổ phiếu bằng giấy trao tay và việc giao dịch thường diễn ra tại... các quán cà phê nên Nhà nước vô phương quản lí.
Còn đối với OTC, lâu nay thị trường bị thả nổi nên NĐT phải chịu rủi ro về thông tin, mức giá mua - bán (thuận mua vừa bán chứ không dựa trên cơ sở nào cả). Hơn nữa tính thanh khoản của OTC không cao, ví dụ khi NĐT mua thì phải “săn lùng” nhưng khi cần bán thì chưa chắc bán được vì không có thị trường rõ ràng. Đó là chưa kể đến trường hợp NĐT có thể bị lừa đảo như giảo mạo giấy tờ, cổ phiếu...
Ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán SBS cũng cho rằng việc yêu cầu các công ty đại chúng lưu ký cổ phiếu của mình tại công ty chứng khoán là biện pháp để giúp OTC ổn định thị trường.
“Việc giao dịch OTC lúc này sẽ không còn là tờ giấy sơ sài, mọi hoạt động mua bán trở nên chuyên nghiệp hơn khi NĐT phải mở tài khoản để đặt cọc mua cổ phiếu OTC và người bán là công ty, doanh nghiệp đã được kiểm tra. Bên cạnh đó thời gian giao dịch, biên độ giao dịch dành cho NĐT thoải mái hơn (không giới hạn về mức giá)... Các yếu tố trên sẽ nâng cao tính thanh khoản cho thị trường” - ông Nam cho biết thêm.
Ngoài ra, ông Nam còn cho rằng trong bối cảnh chứng khoán “nóng” như hiện nay thì việc huy động vốn của DN sẽ diễn ra rất nhanh, đây là cơ hội “vàng son” cho các DN trong nước tự mình đưa ra cơ hội hội nhập cho mình, tận dụng cơ hội để phát triển.
Theo Ng.Sa
VietNamnet