Chưa thể ép lãi suất khi ngân hàng chưa “tự xử”… bệnh trạng
(Dân trí) - “Không thể “ép” lãi suất cho vay xuống khi sức khỏe của chính các ngân hàng chưa xử lý được. Việc “tự xử” này, về nguyên tắc, nhà nước không thể làm thay, can thiệp” - TS. Nguyễn Đức Kiên, ủy viên thường trực UB Kinh tế của Quốc hội quả quyết.
Lãi suất nằm trong vấn đề tổng thể của nền kinh tế nên không thể ép xuống như mong muốn của mình. Quan trọng nhất là sức khỏe của hệ thống các tổ chức tín dụng hiện chưa xử lý xong. Nếu xử lý được vấn đề này mới có thể hạ lãi suất xuống được. Việc này cũng giống như thị trường vàng, chúng ta không thể nói được diễn biến đi về đâu nếu như không biết được sau 30/6 các ngân hàng tất toán về vàng như một phương tiện thanh toán thì tình hình khi đó sẽ như thế nào. Thị trường vàng đã tồn tại như vậy mười năm qua, từ đầu 2011 mới thắt chặt lại, cần từ từ.
Các tổ chức tín dụng bây giờ mới đang xử lý vấn đề của mình. Về nguyên tắc, cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay.
Nhưng cơ quan quản lý vẫn đang cố “ép” lãi suất đầu vào. Mức lãi suất huy động thời gian qua vẫn liên tục hạ trong khi lãi suất đầu ra lại thực sự “vật vã” để hạ nhiệt?
Cần tách ra trong chuỗi hoạt động của thị trường xem cơ quan quản lý tác động được tới đâu. Nhà nước chỉ có thể can thiệp vào những khâu nhà nước có thẩm quyền và tác động lan tỏa. Không thể “ép” lãi suất cho vay xuống khi chính ngân hàng phải cần được đảm bảo được chỉ rõ dự án nào tốt để cho vay cũng như việc đảm bảo trách nhiệm với dự án đó.
Ngân hàng và doanh nghiệp đều là các tổ chức kinh doanh, tác động tới nhau theo quan hệ cung cầu. Tới một lúc nào đó, các ngân hàng thấy rằng cứ giữ mức lãi suất này, doanh nghiệp không thể vay được, buộc họ sẽ tự hạ.
Nhưng cũng còn vấn đề khác là khi lãi suất của ngân hàng giảm xuống, lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn cao, các tổ chức tín dụng sẽ chọn mua trái phiếu Chính phủ. Thực tế là hiện nay 90% trái phiếu là do các ngân hàng mua vào.
Vậy việc liên tiếp hạ lãi suất huy động có thỏa đáng với người gửi tiền khi Nhà nước không thể buộc các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp? Như vậy chỉ làm tăng lợi nhuận cho ngân hàng khi mức chênh lãi suất quá lớn?
Lãi suất không giảm thì làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đặt vấn đề cần điều chỉnh các giải pháp đang áp dụng hiện tại?
Chúng ta đã làm được gì đâu mà nói là điều chỉnh. Trong nhóm các giải pháp được áp dụng, sau 5 tháng đến giờ vẫn chưa thực sự đạt được gì để nói là hỗ trợ doanh nghiệp. Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được coi là sẽ cứu thị trường bất động sản nhưng lại để hỗ trợ cho phân khúc nhà ở thu nhập thấp. Quan điểm của tôi, không biết tiêu chí thu nhập thấp hay cao như nào mà ai có thu nhập ổn định, có nhu cầu chính đáng về nhà ở thì cần được vay một khoản ổn định để mua nhà, không phải với lãi suất 6% mà cố định ngay ở mức 3% trong một chu kỳ vòng đời của doanh nghiệp đầu tư xây nhà. Ví dụ vòng đời của dự án có lãi suất, chỉ số hoàn vốn trong vòng 12 năm thì người mua nhà cần được vay trong vòng 9 năm, ngắn nhất là 7 năm với lãi suất 3% để mua nhà tại dự án đó. Thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm là như vậy.
Ông cho rằng đối tượng được xác định trong gói 30.000 tỷ đồng hiện tại chưa phù hợp?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản, không quan tâm nhiều về giá nhà quy định để được vay mua với mức lãi suất ưu đãi. Việc đó do thị trường quyết định. Các nhà đầu tư làm dự án, nếu để giá 17 triệu đồng/m2 vẫn không bán được thì sẽ phải tự hạ. Tại sao cơ quan quản lý nhà nước phải “định” mức giá dưới 15 triệu đồng mới cho vay ưu đãi. Đấy là can thiệp hành chính vào thị trường. Tôi nghĩ phải thay đổi tư duy quản lý trong trường hợp này.
Căn cứ nào để ông đưa ra mức lãi suất chỉ 3% trong khi mức 6% NHNN “hứa” đã được xem là một sự cố gắng rất lớn?
Người ta đưa ra mức lãi suất 6% căn cứ vào lãi suất tái cấp vốn của NHNN. Đây đúng là một động thái tích cực của NHNN rồi, lãi suất đang từ mức mười mấy phần trăm hạ suống còn 6% đã là một nỗ lực lớn, nhưng họ vẫn đang đứng ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước. Ở góc độ người làm nghiên cứu, tôi thấy trên thế giới không ai cho vay mua nhà với lãi suất cao như vậy. Lãi suất mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều lãi suất đang cho vay thực tế bởi đó là khoản vay có tài sản đảm bảo. Nói 3% là từ góc độ nghiên cứu. Có như vậy mới tạo được dòng chảy cho thị trường bất động sản.
Ông có vẻ không mấy lạc quan về hiệu quả của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng? Giải pháp này có khả năng hỗ trợ thiết thực cho thị trường bất động sản?
Chắc chắn phải có chứ. Chúng ta không thể yêu cầu nhà nước phải cứu mọi phân khúc trên thị trường, kể cả nhà nghỉ, resort, khách sạn, bất động sản cao cấp.
Có ý kiến phân tích, cơ quan quản lý nhà nước một mặt tham gia hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn muốn “cầm đằng chuôi”. Quá chắc chắn như vậy không tạo được hiệu quả đột phá cũng như thuyết phục được cả xã hội?
Điều đó thể hiện dự báo của các cơ quan quản lý nhà nước với ổn định vĩ mô chưa được bền vững như mong muốn. Vậy nên họ vẫn dự báo với lãi suất 6% thì với mặt bằng lạm phát như hiện nay vẫn sẽ cân đối được chi phí của nguồn vốn. Cũng giống như lãi suất trái phiếu chính phủ vậy, trong khi lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước chỉ 6-7% thì lãi suất đấu thầu của trái phiếu chính phủ vẫn cao hơn.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)