Lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt

Cá nhân vay tiền với lãi suất 14%-15%/năm là chưa hợp lý. Phần lớn ngân hàng giảm lãi suất cho vay cũ đối với khoản vay chưa đến hạn trả nợ.

Tuy Ngân hàng Nhà nước giảm chi phí cho các Ngân hàng thương mại qua việc giảm 1% các mức lãi suất chủ chốt từ ngày 13/5, lãi suất đầu vào cũng giảm mạnh còn 5%-10%/năm nhưng lãi suất cho vay giảm chưa đáng kể.

 

Lãi vay tiêu dùng quá cao

 

Ngày 16/5, chúng tôi đến một số ngân hàng để tìm hiểu lãi suất cho vay. Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chúng tôi đề nghị vay 100 triệu đồng để mua sạp bán hàng ở chợ. Nhân viên VPBank cho biết sẽ chuyển mục đích sử dụng vốn sang cho vay tiêu dùng, lãi suất 14,4%/năm.

 

Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi 7,7%/năm trong 3 tháng đầu tiên, sau đó sẽ áp dụng lãi suất thả nổi. “Cụ thể là lãi suất bao nhiêu?” - chúng tôi thắc mắc. Nhân viên ngân hàng này cho biết: “Nếu căn cứ vào thời điểm này thì từ tháng thứ 4 trở đi, ngân hàng có thể áp lãi suất 14%/năm. Trường hợp khách hàng trả hết nợ trước hạn trong năm đầu tiên thì không được ưu đãi lãi suất trong 3 tháng đầu. Khi đó, lãi suất vay vốn thực tế là 14%/năm”.

 

Nhiều ngân hàng cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất 14% - 15%/năm
Nhiều ngân hàng cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất 14% - 15%/năm

 

Đến Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, chúng tôi đề nghị vay 100 triệu đồng để du học thì được thông báo lãi suất 15%/năm, thời hạn vay ít nhất 1 năm. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng lãi suất cho vay 15%/năm đối với CBCNV có tài khoản chi trả lương qua Eximbank…

 

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng huy động vốn lãi suất 5-10%/năm, cộng với chi phí kinh doanh khoảng 3%, tính ra lãi suất đầu ra chỉ ở mức 8- 13%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng cho cá nhân vay với lãi suất 14- 15%/năm là quá cao.

 

Theo các ngân hàng, tùy từng khách hàng, mục đích vay vốn, độ rủi ro của khoản vay nhiều hay ít mà họ ấn định mức lãi suất cho vay cao hay thấp.

 

Tùy thuộc từng ngân hàng

 

Đối với doanh nghiệp (DN), nhiều Ngân hàng cho vay ngắn hạn lãi suất 8-9%/năm nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng lớn hoặc đối tượng ưu tiên. Các DN khác thường phải vay vốn với lãi suất cao hơn.

 

Ông Đỗ Văn Tơ, Giám đốc Công ty Tân Phước Khanh, cho hay ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 9,7% - 10,5%/năm (giảm 0,5%).

 

Trong khi đó, ông Khưu Lạc, Giám đốc Công ty Lạc Hưng, vẫn đang vay ngân hàng lãi suất 13,3%/năm. Bà Hứa Thục Châu, Giám đốc Công ty Vạn Lợi, cũng vay ngân hàng với lãi suất 12%/năm…

 

Không ít DN đang kỳ vọng lãi suất cho vay cũ sẽ đồng loạt giảm vì đã có 4 ngân hàng lớn tuyên bố giảm còn 13%/năm. Tuy nhiên, một cán bộ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Do tỉ trọng cho vay với lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 14% tổng dư nợ cho vay nên Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay cũ về tối đa 13%/năm. Thế nhưng, việc giảm hay không giảm lãi suất cho vay cũ sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng thương mại bởi Ngân hàng Nhà nước không có văn bản yêu cầu. Do đó, không phải ngân hàng nào cũng giảm lãi suất cho vay cũ và không phải khách hàng nào cũng được giảm lãi suất.

 

Theo lãnh đạo một ngân hàng lớn ở TPHCM, đối với các khoản nợ quá hạn, ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét từng DN để gia hạn nợ. Đến thời hạn quy định, nếu khách hàng trả được nợ thì ngân hàng sẽ giảm lãi suất. Các khoản vay với lãi suất cao và chưa đến thời hạn trả nợ thì đương nhiên ngân hàng sẽ giảm lãi suất.

 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ cũng cho biết sẽ chọn lọc khách hàng giảm lãi suất cho vay cũ còn 13%/năm. Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho hay chỉ giảm lãi suất cho vay cũ đối với khoản vay chưa đến hạn trả nợ.

 

Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng các ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất cho vay cũ trong thời gian tới. Nếu để lãi suất cao, DN không trả được nợ thì nợ quá hạn sẽ tăng lên, làm tăng thêm nợ xấu buộc Ngân hàng phải trích thêm dự phòng rủi ro, kéo lợi nhuận đi xuống.

 

 Cần thêm chính sách kích cầu

 

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặt bằng lãi suất cho vay ưu tiên 9%-12%/năm và lãi suất cho vay phổ biến 11%-15%/năm chưa đủ hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lãi suất hiện nay chỉ là thứ yếu vì DN không bán hàng được nên không có nhu cầu vay vốn. Vấn đề cốt lõi là Nhà nước cần có thêm chính sách kích cầu dài hơi, trong đó cần tính đến việc giảm thuế GTGT để DN giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu thụ hàng hóa.

 

Theo Thy Thơ

NLĐ