Luật Dầu khí (sửa đổi):
Chưa rõ thẩm quyền duyệt hợp đồng dầu khí, ai chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí (điều 24 dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi) là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, trong khi loại hợp đồng này rất quan trọng, thường có tính chất dài hạn (20-30 năm).
Ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí sửa đổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Trong đó, về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí (điều 24 dự thảo Luật) có nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến đã đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí, với hai loại ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng hợp đồng chia sản phẩm dầu khí có cấu trúc nội dung phức tạp do đặc thù của hoạt động dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay, cần có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí bảo đảm tính chủ động cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và PVN trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, việc giao PVN phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp PVN tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí.
Vì vậy, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí.
Đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.
Còn nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã được thiết kế theo tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định một số nội dung quan trọng như phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nội dung hợp đồng dầu khí…; các nội dung khác giao Bộ Công Thương và PVN thực hiện.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với ý kiến thứ nhất.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đề nghị nghiên cứu thêm để thiết kế phương án phù hợp. Bởi theo phương án 1 thì có bất cập là chưa rành mạch thẩm quyền, chưa rõ trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi "PVN trình lên Bộ Công Thương và Bộ lại trình Thủ tướng và xin ý kiến các nơi trước khi phê duyệt rồi lại xuống bộ duyệt nữa thì chưa rành mạch trách nhiệm giữa Thủ tướng với Bộ Công Thương".
Lo khâu phê duyệt hợp đồng có thể kéo dài, mất thời gian, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Nên chăng quy định Thủ tướng phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí. Còn nếu phân cấp thì luật nêu nguyên tắc cơ bản để Bộ trưởng Công Thương phê duyệt.
Phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan hữu quan chủ trì xây dựng, thẩm tra dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc nhấn mạnh lưu ý đến các ý kiến đóng góp về tính chất đặc biệt, đặc thù của hoạt động dầu khí để bổ sung, hoàn thiện dự án luật, tiếp tục đưa dự án Luật ra xem xét tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.