1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chưa kịp nhập, giá lợn hơi tại Thái Lan đã tăng đến mức "khó mua"

Dự kiến trong lô hàng của 10 doanh nghiệp đầu tiên, có khoảng 80.000 con lợn sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhập khẩu lợn từ Thái Lan đang khá khó khăn bởi giá lợn hơi tại nước này đang tăng nhanh.

Chưa kịp nhập, giá lợn hơi tại Thái Lan đã tăng đến mức khó mua - 1

Kiểm dịch thú y lợn giống nhập khẩu từ Thái Lan. Ảnh: Văn Giang

Giá lợn tại Thái Lan tăng "nóng"

Trao đổi với PV trưa 13/6, ông Phạm Trần Sum - Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội) – một trong những doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam, cho biết: Ngày 13/6, ông đã hoàn tất các thủ tục với phía đối tác Thái Lan để đầu tuần tới lợn nhập khẩu từ Thái Lan có thể về Việt Nam.

“Lô hàng đầu tiên chúng tôi sẽ nhập khoảng 2.000 con và nếu các thủ tục thuận lợi, ngay trong tuần tới, lô hàng sẽ được chuyển về khu vực biên giới giữa Lào và Thái Lan để chờ vận chuyển về Việt Nam. Lợn nhập khẩu về Việt Nam sẽ được thực hiện các biện pháp kiểm dịch, cách ly theo quy định” – ông Phạm Trần Sum nói.

Tuy nhiên, ông Sum cũng đưa ra thông tin: Trong 3 ngày nay, từ khi Cục Thú y Thái Lan công bố cho phép xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam, giá lợn hơi tại Thái Lan đã tăng chóng mặt.

“Chỉ trong 3 ngày, giá lợn hơi tại Thái Lan đã tăng thêm 8.000 đồng/kg, đẩy giá lợn vượt mức 60.000 đồng/kg. Chúng tôi đã trao đổi với đối tác là với mức giá đó, doanh nghiệp chúng tôi không làm (nhập khẩu-PV) được và đối tác đang hứa sẽ cân nhắc, xem xét lại mức giá này”- ông Sum cung cấp thêm thông tin.

Cũng theo ông Sum, ngoài việc tăng giá tới 8.000 đồng/kg, tương đương mức tăng 800.000 đồng/con (tính lợn bình quân 1 tạ/con), chi phí cho mỗi con lợn còn có: Thuế tạm nhập tái xuất, chi phí bến bãi, kiểm dịch, tắm… (tại Lào) cũng tăng thêm khoảng 800.000 đồng/con.

Bên cạnh đó, hao hụt do vận chuyển xa từ Thái Lan về đến Việt Nam mất 7-8kg/con; rủi ro chết khoảng 0,5%; phí kiểm dịch phía Việt Nam khoảng 700.000 đồng; chi phí vận tải 250.000 đồng/con…

"Như vậy, ngoài giá mua tại trại, tổng chi phí cho mỗi con lợn tính thêm đã lên đến 1,5-1,6 triệu đồng. Giá lợn về đến Việt Nam đã lên đến 80.000-81.000 đồng/kg" - ông Phạm Trần Sum khẳng định.

Còn theo thông tin từ các thương nhân, giá lợn hơi tại các cửa khẩu biên giới cũng tăng 10.000 đồng/kg so với 10 ngày trước.

“Hiện nay giá về theo đường biên giới Lào là 82.000-84.000 đồng/kg, còn đường Campuchia là 84.000-86.000 đồng/kg. Với chi phí như vậy, việc nhập khẩu không khéo tính toán sẽ nguy cơ bị lỗ”- ông Hòa Bình – Giám đốc trại chăn nuôi lợn Hòa Bình cho biết.

Chưa kịp nhập, giá lợn hơi tại Thái Lan đã tăng đến mức khó mua - 2

Lợn giống nhập khẩu từ Thái Lan. Ảnh: Văn Giang

Giá lợn hơi trong nước tiếp tục giảm mạnh

Thông tin lợn nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam đã kéo giá lợn hơi trong nước giảm mạnh. 

Ngày 13/6, giá lợn ở miền Bắc giảm sâu tại hầu hết các địa phương, dao động quanh mốc 88.000-94.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại Phú Thọ thấp nhất miền Bắc: 88.000 đồng/kg (giảm 4.000 đồng/kg); giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc, Hà Nội cũng giảm 4.000 đồng/kg, còn 90.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, giá lợn hơi tại Bình Định giảm mạnh 4.000 đồng/kg, đưa về mức 84.000 đồng/kg. Tại Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Ninh Thuận giá dao động từ 85.000 - 89.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi có mức giảm mạnh nhất cả nước, mức giảm tới 5.000 đồng/kg tại Đồng Nai. Tại Tây Ninh và TPHCM giảm 3.000 đồng/kg, đưa xuống 90.000 đồng/kg (Tây Ninh) và 87.000 đồng/kg (TPHCM).

Vẫn nhập lậu để "né" phí kiểm dịch

Theo các thương nhân, hiện tại, việc nhập khẩu lợn sống đã có hiệu lực từ ngày 12/6, tuy nhiên, hiện tượng buôn bán lợn lậu (né kiểm dịch thú y) tại các biên giới Campuchia, Lào… vẫn diễn ra khá phổ biến.

Lợn sống từ Thái được đưa qua Lào và Campuchia, tập kết về khu vực gần cửa khẩu Nậm Cắn, Thông Thụ (Nghệ An), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình), Lệ Thanh (Gia Lai). Riêng các cửa khẩu miền Tây đang được kiểm soát chặt nên lượng lợn về giảm mạnh.

Theo Vũ Long

Lao động