Chưa khẳng định sẽ tăng giá điện từ 1/6/2011
(Dân trí) - Sẽ lấy bình quân giá biến động trong 3 tháng liên tiếp để tính toán việc điều chỉnh giá điện cũng như chưa khẳng định sẽ tăng giá điện từ 1/6… là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo chiều 22/4 về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
Tại cuộc họp báo, Bộ Công Thương đã công bố Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có hiệu lực từ 1/6/2011.
Theo đó, giá bán điện được điều chỉnh trong năm khi có biến động của các thông số đầu vào cơ bản (gồm giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng điện phát). Thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.
Trường hợp biến động của các thông số đầu vào cơ bản làm giá bán điện giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành, EVN phải thực hiện điều chỉnh giảm giá bán điện ở mức tương ứng; trường hợp giá bán điện tăng bằng hoặc trên 5%, EVN được phép tăng giá bán điện ở mức 5% sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận.
Khi thấy cần thiết điều chỉnh giá bán điện tăng trên 5%, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương và trình Bộ Tài chính thẩm định. Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Nếu Thủ tướng Chính phủ không có ý kiến sau 15 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương trình văn bản, EVN được phép điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, giá điện sẽ được xem xét điều chỉnh dựa trên bình quân 3 tháng biến động liên tiếp. Và tại thời điểm này, chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ điều chỉnh giá điện từ 1/6/2011.
Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN cũng khẳng định: hiện tập đoàn đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ và sẽ cân nhắc thời điểm để dân chịu được mức độ điều chỉnh tăng giá.
Sau năm 2022 mới có thị trường điện cạnh tranh
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc khi nào Việt Nam mới có một thị trường điện theo đúng nghĩa, ông Vượng cho hay xây dựng thị trường điện gồm có 3 giai đoạn: thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh.
Trong đó, phát điện cạnh tranh nằm trong lộ trình từ năm 2011-2014, bán buôn cạnh tranh là các công ty phân phối từ 2015-2022, và bán lẻ cạnh tranh hy vọng sau năm 2022 mới thực hiện. Khi đã đến lúc đạt bán lẻ cạnh tranh thì thiếu điện cũng sẽ được khắc phục.
Liên quan đến Quỹ bình ổn giá điện, trong Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, sẽ giao cho Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Công thương để thẩm định và Quỹ này hình thành từ chi phí sản xuất kinh doanh mua bán điện, cơ chế hình thành và sử dụng giá điện này sẽ được xây dựng thận trọng và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Tuy nhiên, đại diện Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) tham gia buổi họp báo khẳng định, Quỹ bình ổn giá điện là vấn đề rất phức tạp và không như các mặt hàng khác.
“Quỹ bình ổn giá điện theo quyết định của Thủ tướng sẽ lấy từ chi phí giá điện, trong khi EVN còn đang treo tất cả các chi phí khác thì thời gian trước mắt chưa thể đưa vào giá bán điện,” bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính khẳng định.
Trong những năm qua do việc điều chỉnh chưa tương ứng với biến động của các yếu tố đầu vào hình thành giá, nên giá điện hiện nay đang ở mức thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Theo tính toán của EVN thì khoản lỗ thực tế năm 2010 mà đơn vị này đang phải gánh lên đến hơn 8 nghìn tỷ đồng và trong phương án giá điện năm 2011 cũng chưa được tính khoản chi phí này vào giá thành.
Ông Đinh Quang Tri cũng khẳng định, việc minh bạch hóa thị trường điện phải làm sớm để mọi người biết chi phí là bao nhiêu trong giá thành sản xuất.
Lan Hương