Chưa có khung lợi nhuận dự án BOT, Bộ Tài chính “đổ lỗi” cho các bộ ngành
(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trả lời về kết quả kiểm toán các dự án BOT giao thông, trong đó nhấn mạnh hiện nay Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề nghị của các bộ, ngành liên quan về việc xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án BOT thuộc các bộ, ngành quản lý.
Đây là diễn biến mới nhất xung quanh các chính sách và lằn ranh pháp luật nhằm quản lý các dự án đầu tư giao thông theo hình thức xây dựng, kinh doanh và chuyển giao (BOT) thuộc hình thức PPP đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Trong số các chính sách đối với phát triển các loại hình đầu tư cơ sở hạ tầng có sử dụng hợp đồng hợp tác công tư (PPP) là BOT, BT và BTO, hiện BOT đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến nhất. Bộ Giao thông - Vận tải hiện là đơn vị nắm nhiều dự án nhất, cũng là bộ “gánh” trách nhiệm về xây dựng các dự án, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định, phê duyệt dự án.
Bộ KH&ĐT xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chính sách đối với các dự án PPP, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, nghĩa vụ tài chính liên quan.
Thời gian vừa qua, khi BOT đang nóng trên khắp cả nước, nhiều trạm thu phí sai, đặt trạm sai, thậm chí gian dối trong thu phí như ở Pháp Vân - Cầu Giẽ, đa số các ý kiến, góp ý, chỉ trích đều hướng vào Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT.
Tại Văn bản số 6791 của Văn phòng Chính phủ tháng 6/2017, Bộ Tài chính được yêu cầu có ý kiến về các kết quả kiểm toán dự án BOT giao thông sau khi Bộ KH&ĐT, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan Quốc hội vào cuộc, có báo cáo. Sau yêu cầu nói trên Bộ Tài chính làm rõ các thông tin liên quan.
Trả lời đề nghị của Bộ KH&ĐT về yêu cầu bổ sung quy định cụ thể xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư, Bộ Tài chính khẳng định, mỗi lĩnh vực của PPP có đặc thù khác nhau nên việc quy định khung tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án là “không khả thi”.
Bộ này cho hay: "Tại Thông tư số 55/2016 tháng 3/2016, Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư quy định những nguyên tắc chung về xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư để đảm bảo phù hợp với lĩnh vực, ngành có dự án PPP".
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải ký nêu rõ: Thông tư 55 nêu rõ, trường hợp cần thiết, Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cụ thể khung lợi nhuận cho các dự án thuộc Bộ, ngành quản lý.
“Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được đề nghị của Bộ, ngành liên quan nào về việc xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án thuộc Bộ, ngành quản lý", Bộ Tài chính cho hay.
Ngoài vấn đề về khung lợi nhuận, Bộ Tài chính còn phản hồi nhiều vấn đề liên quan đối với ý kiến về quy định nguồn vốn của chủ sở hữu, mức thu phí.
Cụ thể, về quy định nguồn vốn của chủ đầu tư BOT, Bộ Tài chính dẫn Nghị định số 15 tháng 2/2015 của Chính phủ về đầu tư PPP quy định về vốn chủ sở hữu; Điều 20, Thông tư 06, tháng 6/2016 của Bộ KH&ĐT hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 15; Thông tư 55/2016 tháng 3/2016 của Bộ tài chính quy định nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư tại Nghị định số 15…
Bộ này khẳng định: Quy định về mức độ vốn chủ sở hữu tối thiểu, tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đã được quy định đầy đủ. Việc nhà đầu tư không thực hiện theo cam kết là thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về phương án thu phí, mức phí cũng được Bộ Tài chính dẫn nhiều quy định của pháp luật từ Luật phí và lệ phí, Nghị định 149, Thông tư 35 của Bộ GTVT... đồng thời khẳng định: Hiện tại Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền trong nhiều việc.
Điển hình như, Bộ GTVT có trách nhiệm và thực hiện rà soát, thẩm định phương án tài chính của dự án; quy định mức giá tối đa áp dụng chung cho dịch vụ sử dụng đường bộ... Thống nhất với các chủ đầu tư về mức giá đối với dịch vụ đường bộ, trong đó có ưu đãi cho hộ dân địa phương xung quanh dư án, trạm thu phí...
Nguyễn Tuyền