1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Chưa có hợp đồng nào đặt mua vải thiều "sạch" xuất khẩu sang Mỹ

(Dân trí) - Mặc dù đã gần sát ngày thu hoạch nhưng hàng trăm hộ dân thuộc vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn Global - Gap tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn đang loay hoay, lo lắng về đầu ra cho sản phẩm, bởi vẫn chưa có hợp đồng nào đặt mua vải để xuất khẩu sang Mỹ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Khi biết thông tin thị trường Australia và Mỹ đã đồng ý cho phép nhập khẩu quả vải thiều của Việt Nam được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ, người dân tại “kinh đô” vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang khấp khởi mừng thầm. Bởi từ trước đến nay, vải thiều trong nước nói chung chỉ phụ thuộc vào hai thị trường chính là Trung Quốc và thị trường miền Nam. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc thường không ổn định và rủi ro về giá cả.

Việc đưa quả vải thiều sang thị trường cách nửa vòng trái đất là điều chưa từng có từ trước tới nay đối với người trồng vải trong cả nước, mở ra tương lai đầy hứa hẹn đối với bà con nông dân. Tuy nhiên, kèm theo đó là một loạt những tiêu chuẩn khắt khe mà những thị trường khó tính này đưa ra.

Người dân đang lo lắng thị trường cho vải sạch xuất Mỹ.
Người dân đang lo lắng thị trường cho vải "sạch" xuất Mỹ.

Để đáp ứng theo yêu cầu, UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đã quy hoạch vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global – Gap và tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ- Châu Âu với tổng diện tích là 60,38 ha.

Chương trình được thực hiện tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn với sự tham gia của 109 hộ được tuyển chọn từ hơn 300 hộ dân đủ tiêu chuẩn tại 3 thôn: Kép 1, Ngọt và Phương Sơn. Những địa phương này đã được phía Mỹ xây dựng, cấp 6 mã vùng để từ đó, nhà nhập khẩu có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Lưu, ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn cho biết, thôn Kép 1 có 72 hộ tham gia thực hiện chương trình. Các hộ dân được chia làm 5 nhóm chịu trách nhiệm kiểm tra chéo lẫn nhau để quy trình sản xuất đạt chất lượng tốt nhất.

Vựa vải thiều
Vựa vải thiều tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn.

Gia đìnhanh Lưu có tổng diện tích hơn hai mẫu trồng vải thiều, trong đó có 1,5 mẫu với 250 cây vải đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình. Theo anh Lưu, những vườn vải đủ tiêu chuẩn phải đáp ứng được những tiêu chí như không chăn thả gia súc gia cầm, không có khu dịch vụ vệ sinh, không trồng xen lẫn các loại cây khác… Ngoài ra, người trồng vải phải ghi nhật ký hàng ngày theo dõi tác động của mình vào vườn để truy xuất nguồn gốc.

Ông Giáp Văn Kiệm, ở thôn Kép 1 cũng có 0,56 ha diện tích vải tham gia chương trình với 150 cây vải. Trước đó, ông Kiệm phải quy hoạch lại vườn vải của mình để phù hợp với những yêu cầu phía Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, khi sàng lọc lại trong tổng số hơn 1ha vải thì chỉ có 0,56 ha đủ tiêu chuẩn tham gia.

Vựa vải thiều
Mặc đã dù sát ngày thu hoạch nhưng vườn vải "sạch" của ông Lưu vẫn chưa có hợp đồng nào đặt vải xuất khẩu.

“Việc chăm sóc phải theo một chế độ khắt khe và đặc biệt hơn những vườn vải trồng đại trà. Đối với người dân chúng tôi, việc thay đổi phương thức sản xuất, canh tác để có quả vải “sạch”, chất lượng là rất cần thiết và được hầu hết người trồng vải ủng hộ. Nguyện vọng của người trồng vải là hướng tới những thị trường bền vững và ổn định lâu dài như Mỹ, Úc…”

Tuy nhiên, điều mà người dân lo lắng nhất chính là tính khả thi của chương trình, không biết bao giờ quả vải Việt Nam mới sang đến thị trường mong muốn. Giờ những vườn vải thiều mênh mông tại huyện Lục Ngạn đang dần chuyển từ xanh sang đỏ, thời gian thu hoạch chỉ còn đếm từng ngày, trong khi mọi người vẫn còn đang “tù mù” về đầu ra cũng như giá cả của vải “sạch”.

Người dân chăm sóc vải trước ngày thu hoạch tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang.
Người dân chăm sóc vải trước ngày thu hoạch tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang.

Anh Lưu cho biết: Mỗi ngày vườn vải đón gần chục đoàn lãnh đạo, doanh nghiệp đến khảo sát về chất lượng vải, nhưng chưa thấy đoàn nào đề cập đến việc ký kết hợp đồng, thu mua vải để xuất khẩu. Hơn nữa, vải sạch theo tiêu chuẩn Global- Gap đòi hỏi người dân phải bỏ nhiều công sức và thời gian nên chất lượng sản phẩm cũng sẽ cao hơn. Chúng tôi mong muốn sẽ được trả giá xứng đáng với công sức bỏ ra, chứ không thể ngang giá ngoài thị trường được.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đang thắc mắc rằng trong số hơn 60 ha vải thiều theo tiêu chuẩn thì sẽ có bao nhiêu tấn vải được chọn đưa đi xuất khẩu sang những thị trường như Mỹ, Châu Âu…

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết: Diện tích vải thiều toàn huyện Lục Ngạn là 16.280 ha với sản lượng dự kiến trên 90.000 tấn. Trong đó, có 9.500 ha vải thiều tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và 60,38 ha vải theo tiêu chuẩn Global – Gap. Năm nay là năm đầu tiên thí điểm thực hiện sản xuất vải theo tiêu chuẩn Global – Gap và tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ sang Mỹ- Châu Âu. Việc đưa quả vải sang Mỹ, Úc… thành công và được chấp nhận hay không mới là điều quan trọng. Tham gia sản xuất quy trình vải sạch, người dân sẽ được tư vấn miễn phí về quy trình sản xuất, được hỗ trợ 50% tiền thuốc bảo vệ thực vật. Một khi đã có sản phẩm sạch rồi, thì bà con hoàn toàn yên tâm trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Mỹ và châu Âu sẽ là thị trường hứa hẹn đối với người trồng vải trong cả nước nói chung.
Mỹ và châu Âu sẽ là thị trường hứa hẹn đối với người trồng vải trong cả nước nói chung.

Theo ông Tấn thì trước mắt đã có một số “tín hiệu vui” đến với người trồng vải ở Lục Ngạn, đó là toàn bộ sản phẩm vải thiều của 17 hộ thuộc mã 6 đã được một Công ty tại TPHCM cam kết ký hợp đồng đặt mua để xuất khẩu sang Anh. Công ty này cam kết thu mua vải với giá cao hơn 10% so với thị trường. Một công ty khác cũng cam kết đưa vải xuất khẩu sang Mỹ, hiện công ty này đang làm việc với người dân để hỗ trợ, phối hợp thực hiện từ khâu sản xuất. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp, thương nhân, Việt kiều cũng đăng ký đưa vải Việt Nam sang các thị trường Úc, Đông Âu, Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, huyện Lục Ngạn sẽ ưu tiên cho những đơn vị, doanh nghiệp nào đăng ký đặt hàng mua trước.

Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho rằng những lo lắng, thắc mắc của người dân là hoàn toàn hợp lý. Huyện đã có chủ trương, nếu trước thời điểm vải chín rộ (khoảng từ ngày 10/6) mà chưa có doanh nghiệp nào đến thu mua vải xuất khẩu thì sẽ khuyến khích người dân bán vải tự do ra thị trường bên ngoài. Vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn Global - Gap chắc chắn sẽ cho chất lượng tốt hơn, một khi đã có sản phẩm vải “sạch”, chính quyền và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ bà con tìm ra những thị trường ổn định và bền vững.

Xuân Thái
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm