Chủ tịch WB cảnh báo khủng hoảng 2008 sắp trở lại

(Dân trí) - Trả lời báo giới cuối tuần qua, Chủ tịch ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick nhận định diễn biến tại Hy Lạp đang đưa các nước EU vào vùng nguy hiểm và có thể làm bùng phát khủng hoảng tài chính như năm 2008.

Cuối tuần qua, các tin tức xấu dồn dập xuất hiện trên khắp các thị trường tài chính thế giới. Trong khi ở châu Âu tỷ lệ thất nghiệp khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung Euro lên mức kỷ lục 11% thì tại Mỹ số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 5 cũng sụt giảm mạnh, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 8,2%. Tại Trung Quốc, tình hình cũng ảm đạm hơn dự báo.

Chủ tịch WB cảnh báo khủng hoảng 2008 sắp trở lại
Chủ tịch WB lo ngại khủng hoảng tài chính sắp trở lại

Những tin tức này đã khiến các thị trường chứng khoán lớn khắp thế giới sụt giảm từ 2 – 3% còn nhà đầu tư cuống cuồng mua gom vàng và trái phiếu chính phủ Anh, Mỹ, Đức để “trú ấn”. Trả lời phỏng vấn trên tờ Daily Mail của Anh, Chủ tịch WB Robert Zoellick, người sẽ mãn nhiệm vào cuối tháng này để nhường ghế cho tân chủ tịch gốc Hàn Quốc Jim Yong Kim cho biết “chưa có gì chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo khu vực eurozone đã sẵn sàng” cho những thảm họa đang ngày một hiển hiện.

Lo ngại về khả năng Hy Lạp rời đồng euro cộng với tình hình ngày một xấu với các ngân hàng Tây Ban Nha khiến các nhà đầu tư tranh nhau mua gom trái phiếu để bảo toàn vốn. Tại Đức, lần đầu tiên lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm rơi xuống mức âm. Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư thế giới chấp nhận mất tiền để được cho chính phủ Đức vay.

Trong khi đó lãi suất vay vốn tại Tây Ban Nha và Italia tăng vọt lên hơn 6% và đang hướng tới mốc 7%, là ngưỡng mà các nước như Hy Lạp, Ai-len và Bồ Đào Nha phải xin “giải cứu”. Ông Zoellick cảnh báo trong những tháng sắp tới, tình hình có thể tồi tệ không khác gì thời điểm ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ năm 2008.

“Các sự kiện tại Hy Lạp có thể gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính tại Tây Ban Nha, Italia và toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu. Mùa Hè 2012 sẽ đem đến nỗi sợ không khác năm 2008. Nếu Hy Lạp rời Eurozone, hậu quả là không thể đoán trước, cũng giống như những tổn thất ngoài sức tưởng tượng từ vụ Lehman”.

Hiện tại các nhà đầu tư đang lo ngại ngành ngân hàng Tây Ban Nha sẽ khiến nước này chao đảo và trở thành quân domino tiếp theo đổ xuống. “Các nhà lãnh đạo châu Âu cần sẵn sàng cấp vốn cho các ngân hàng. Tại Eurozone sự bảo lãnh của một số quốc gia có vẻ như là không đủ và chỉ có sự bảo lãnh của khu vực đồng Euro mới đủ đáp ứng”, vị chủ tịch WB nói tiếp.

“Dù vậy hoàn toàn chưa có gì rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo khu vực Euro đã sẵn sàng thực hiện bước đi này. Họ cần phải chuẩn bị tốt hơn nữa. Sẽ không có thời gian để các bộ trưởng tài chính nhóm họp và thảo luận về triển vọng cũng như tranh luận về chính trị. Một khi thị trường đã hoảng loạn, các nhà đầu tư sẽ tháo chạy tới các tài sản an toàn và làm bùng lên những ngọn lửa khác”.

Quả thực điều này đang diễn ra khi các nhà đầu tư tranh nhau mua trái phiếu các nước được cho là an toàn. Không chỉ trái phiếu kỳ hạn 2 năm của chính phủ Đức có lãi suất dưới 0% mà lãi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm cũng xuống mức thấp kỷ lục 1,44%. Lãi suất trái phiếu Bộ tài chính Mỹ cũng lao dốc xuống 1,46%, mức thấp nhất trong vòng hơn 200 năm qua nhưng vẫn đắt hàng.

“Hiện tại mục tiêu của các nhà đầu tư là đảm bảo an toàn vốn chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận”, nhà phân tích chiến lược Sam Hill của ngân hàng hoàng gia Canada nhận định. Điều đáng ngại là dường như đây mới chỉ là sự khởi đầu. Nhà kinh tế Francois Cabau của Barclays Capital nhận định: “Tỷ lệ thất nghiệp 11% hiện nay sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những tháng tới và có thể kéo dài tới tận cuối năm”. Đồng thời ông cũng nhận định kinh tế khu vực đồng Euro sẽ giảm phát 0,1% trong năm nay.

“Tình hình kinh tế cho bạn thấy ngay câu chuyện của thị trường việc làm. Kể từ quý 4 năm ngoái tới nay kinh tế hầu như không tăng trưởng và các dữ liệu đang cho thấy động lực cho tăng trưởng của quý 2 năm nay rất yếu”, Francois Cabau khẳng định.

Thanh Tùng
Theo Daily Mail