1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tiết lộ lý do đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng

Toàn Thịnh
Điểm sáng tài chính

(Dân trí) - Đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn rủi ro, tuy nhiên, lãnh đạo Techcombank hé lộ 3 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh vẫn vượt kế hoạch.

Phiên họp thường niên của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) ngày 22/4 đã diễn ra. Một trong những nội dung quan trọng là HĐQT ngân hàng trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch 2023 và một số vấn đề liên quan.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tiết lộ lý do đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng - 1
Đại hội đồng cổ đông Techcombank 2023 (Ảnh: Techcombank).

Mục tiêu lợi nhuận 22.000 tỷ đồng

Sau năm 2022 với mức lợi nhuận kỷ lục 25.568 tỷ đồng, năm 2023, lãnh đạo Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn, ở mức 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước.

Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng đưa ra phương án thận trọng trong bối cảnh thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù vậy, kết quả kinh doanh quý I năm nay vẫn vượt kế hoạch.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tiết lộ lý do đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng - 2
Ông Jens Lotte - Tổng giám đốc Techcombank phát biểu tại phiên họp ( Ảnh: Techcombank).

Ông Jens Lotte - Tổng giám đốc Techcombank - thông tin thêm, ban lãnh đạo đưa ra nhiều kịch bản khác nhau về hoạt động kinh doanh, song chiến lược không thay đổi. Techcombank dự kiến giảm một phần cho vay bất động sản - vốn là nhóm khách hàng có tiềm năng sinh lời cho ngân hàng để tập trung vào cho vay bán lẻ, doanh nghiệp SME, nhằm kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Do biến động thị trường nên khách hàng hiện chưa có nhu cầu vay nhiều, vị lãnh đạo kỳ vọng hoạt động cho vay khởi sắc hơn vào nửa sau năm nay, tập trung vào các ngành như nội thất, dệt may, bất động sản, hoạt động M&A có dấu hiệu tăng… song song với sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu.

Năm 2022, là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao nhất toàn hệ thống song thực chất, tỷ lệ này tại Techcombank đã bị ảnh hưởng khi có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, ông Jens Lottner vẫn tự tin với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CASA đạt 55%, trên cơ sở Techcombank sẽ tận dụng việc là ngân hàng có thị phần với phân khúc khách hàng giàu có ở mức cao. "Có nhóm khách hàng luôn giữ số tiền lớn để linh hoạt sử dụng khi đầu tư trái phiếu, bất động sản…", ông Jens Lottner nói.

Theo ông, phần lớn khách hàng giàu là chủ doanh nghiệp, sử dụng CASA nhằm tự trang bị nguồn vốn cho doanh nghiệp khi cần thiết để chuyển sang hoạt động kinh doanh. "Nhìn vào kinh tế vĩ mô, khi hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại, tỷ lệ CASA sẽ quay trở lại", ông nói.

Thực tế, dù tỷ lệ CASA giảm, tiền vẫn ở trong Techcombank do chỉ dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn. Đây là lý do giúp huy động vốn của Techcombank tăng 12,8% trong năm 2022.

"Chưa có trái phiếu nào bị quá hạn về lãi và gốc"

Tại phiên họp, lãnh đạo nhà băng cũng thông tin đến cổ đông nội dung liên quan đến trái phiếu và bất động sản - 2 mảng vốn được cho là thế mạnh của Techcombank.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tiết lộ lý do đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng - 3
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank tại phiên họp thường niên 2023 (Ảnh: Techcombank).

Theo chủ tịch Hồ Hùng Anh, Techcombank quản lý trái phiếu như một khoản vay ngay từ đầu, từ nhiều góc độ như sức khỏe doanh nghiệp, tài sản đảm bảo, khả năng trả nợ… "Chưa có trái phiếu nào bị quá hạn về lãi và gốc, cho thấy khả năng quản lý rủi ro", ông thông tin.

"Book value (giá trị sổ sách) của trái phiếu trên thị trường đã giảm nhiều nhưng với Nghị định 08 và các chính sách khác của Chính phủ, chắc chắn thị trường sẽ khởi sắc trở lại", ông Hồ Hùng Anh nhận định.

Ông cũng cho biết thị trường khó khăn không chỉ bất động sản mà cả nhiều mảng khác như ô tô, xuất nhập khẩu, sắt, thép… "Những chính sách được đưa ra quyết liệt, trong quý tới, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc", ông nói.

Techcombank cho vay trong lĩnh vực bất động sản cao nhưng phần nhiều nằm ở khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà thực, các dự án cho vay cũng có pháp lý đầy đủ.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tiết lộ lý do đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng - 4
Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông Techcombank 2023 (Ảnh: Techcombank).

Cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch tiếp tục không cổ tức. Ngân hàng sẽ trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Ông Hồ Hùng Anh hé mở thêm kế hoạch có thể chia cổ tức bằng tiền mặt vào năm sau. Ông nhắc lại, tại đại hội năm ngoái đã đề cập câu chuyện 10 năm không chia cổ tức tiền mặt và năm nay là năm thứ 10.

Cổ đông cũng thông qua kế hoạch mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 511.297 tỷ đồng vào cuối năm hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%, tính riêng ngân hàng mẹ.

Về câu chuyện số hóa, chia sẻ thêm bên lề phiên họp, Tổng giám đốc Jens Lottner nói sự khác biệt của Techcombank là trải nghiệm khách hàng. "Nhắc đến số hóa không chỉ là câu chuyện zero fee mà cần phải đầu tư nhiều hơn khi nhìn lại hành trình trải nghiệm của khách hàng. Quan trọng nhất là bắt kịp các tổ chức công nghệ trên thế giới", vị này nói.

Ông cho biết công nghệ tại Techcombank đi trước kế hoạch từ 2-3 năm khi ứng dụng AI chatbot để tăng năng lực quản trị. Lợi thế của việc tiên phong về dịch vụ số hóa giúp Techcombank thu hút thêm hơn 1 triệu khách hàng mới mỗi năm.

Về câu chuyện lãi suất, lãnh đạo Techcombank cho rằng lãi suất có thể sẽ giảm tiếp, nhưng biến động cụ thể còn tùy diễn biến thị trường do thay đổi lãi suất ảnh hưởng còn tới thanh khoản, tỷ giá hối đoái… Có ý kiến cho rằng ngân hàng kiếm được nhiều tiền khi lãi suất tăng cao và ngược lại, tuy nhiên, tại Techcombank, ông cho biết đã có sự chuẩn bị và có thể linh hoạt chi phí về huy động, cho vay.

Dòng sự kiện: Điểm sáng tài chính