Chủ tịch SCIC: "Tự nhiên ngồi mát ăn bát vàng sao được"!

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC cũng khẳng định: "Nói SCIC ngồi mát ăn bát vàng nhưng phải thế đâu. Vốn Nhà nước vẫn có thể lỗ, nguy hiểm rủi ro, vì sao SCIC được chia lợi nhuận mang về cho Nhà nước?".

 

Chủ tịch SCIC: Tự nhiên ngồi mát ăn bát vàng sao được! - Ảnh 1.

Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi khẳng định: "Nói SCIC ngồi mát ăn bát vàng, nhưng không phải thế đâu".

Trả lời báo chí tại buổi họp báo hôm nay (7/1), ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, năm 2018, SCIC tiếp 2 đoàn kiểm toán, kiểm tra quan trọng, trong đó 1 đoàn Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và 1 đoàn kiểm tra của Đảng ủy khối doanh nghiệp.

"Đoàn kiểm tra khối doanh nghiệp kết luận không vi phạm. KTNN nếu tổng hợp kiến nghị thì cũng không vấn đề gì, chỉ có 1 điểm liên quan tới dự án số 6 Thăng Long yêu cầu rút kinh nghiệm. Đánh giá chung của KTNN là SCIC chấp hành đúng chủ trương, các văn bản pháp luật liên quan sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng vốn cơ bản theo đúng quy định. KTNN có biên bản và kết luận và không có vấn đề gì có thể tạo ra sai phạm", ông Thành nói.

Trước một số thông tin liên quan hoạt động đầu tư của mình, lãnh đạo SCIC cho hay, SCIC có các khoản đầu tư tiếp nhận từ doanh nghiệp và những khoản đầu tư mới.

"Một số khoản đầu tư mới, về hiệu quả thì do mình chưa thoái vốn nên chưa khẳng định được. SCIC cũng giải trình với kiểm toán rồi, các khoản này chủ yếu liên quan tới dự án điện, mà điện thì đang thiếu, Thủ tướng chỉ đạo rồi, SCIC cũng đã phối hợp với EVN. Hơn nữa, chúng tôi chưa bán, tới lúc bán có khi lại hiệu quả, mà chắc chắn hiệu quả thì SCIC mới thoái vốn", ông nói.

Về các khoản đầu tư tiếp nhận lại, ông Thành cho hay: "Do tồn tại tài chính từ trước nhưng còn phần vốn Nhà nước theo quy định nên vẫn phải nhận. SCIC tiếp tục táii cơ cấu, khoản nào trong danh mục Thủ tướng yêu cầu thoái thì tiến hành thoái vốn, cái nào tái cơ cấu xong thoái thì mới thoái, hoặc đưa vào diện giám sát đặc biệt, tức là có phân loại doanh nghiệp. Tổng danh mục vốn Nhà nước là 1 tỷ USD nhưng trên thị trường giá trị độ 5 tỷ USD, tức là vẫn bảo toàn vốn, không phải thất thoát".

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch SCIC cũng khẳng định: "Nói SCIC ngồi mát ăn bát vàng nhưng phải thế đâu. Vốn Nhà nước vẫn có thể lỗ, nguy hiểm rủi ro, vì sao SCIC được chia lợi nhuận mang về cho Nhà nước?".

"Riêng khoản đầu tư Vinaconex, cách vài năm đầu tư vào đó 2.000 tỷ đồng, dư luận nói tại sao đưa vào công ty thua lỗ như thế. Không đầu tư vào thì công ty phá sản và vốn Nhà nước mất. Chúng tôi với trách nhiệm cổ đông, chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đưa đầu tư vào và cùng anh em Vinaconex dần dần đưa Vinaconex vượt qua khó khăn. Đầu tiên chia lợi nhuận 4%, sau 8%, 12%. Tự nhiên ngồi mát ăn bát vàng sao được", ông Chi dẫn ví dụ.

Nói về khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ đầu tư, ông Chi cho biết: "Bàn nhiều cuối cùng lại có vấn đề ví dụ như các quy định liên quan tới dự án đầu tư đó đã hoàn chỉnh chưa, nếu thiếu 1 chi tiết nhỏ cũng không ra quyết định đầu tư được. Chúng tôi mong với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, tập trung quản lý 19 Tập đoàn, Tổng công ty thì chính chúng tôi cũng tìm được cơ hội đầu tư tại các Tập đoàn, Tổng công ty này để đưa tiền vào và quản trị dự án đầu tư hiệu quả".

Theo báo cáo của SCIC, đến 31/12/2018, doanh thu ước là 12.582 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 ước là 9.467 tỷ đồng, đạt 153% kế hoạch, tương ứng 142% thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước là 8.253 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch và tương ứng 130% so với cùng kì năm 2017.

Trong năm 2018, SCIC dự kiến nộp ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế trên 6.990 tỷ đồng, đạt 154% so với kế hoạch. Ngoài ra, chênh lệch từ bán vốn các doanh nghiệp lớn thuộc Thông báo 281/TB-VPCP không được hạch toán doanh thu mà nộp trực tiếp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp là 2.185 tỷ đồng.

Trong năm 2018, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 14 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là hơn 4.055 tỷ đồng (tăng mạnh so với 2 năm trước liền kề, vốn tiếp nhận chỉ ở mức khoảng 1.000 tỷ đồng/năm), trong đó có một số DN lớn như: Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Seaprodex, Tổng công ty Ligogi… Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, đến nay, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận 30/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 4.069 tỷ đồng.

SCIC thực hiện bán vốn tại 9 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 07 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 02 doanh nghiệp) và ghi nhận doanh thu bỏ cọc tại 02 doanh nghiệp, với tổng giá trị doanh thu ghi nhận là 7.693 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 5.706 tỷ đồng trên giá vốn là 2.617 tỷ đồng đạt tỷ lệ 2,94 lần.

Phương Dung

Chủ tịch SCIC: Tự nhiên ngồi mát ăn bát vàng sao được! - Ảnh 2.