1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chủ tịch Quốc hội: Nếu giá xăng tăng cao, thêm công cụ khác hỗ trợ dân

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu giá xăng tiếp tục tăng cao thì ngoài quỹ bình ổn giá và thuế cần sử dụng công cụ khác để bình ổn, hỗ trợ người dân ví dụ như hỗ trợ cho ngư dân, người có thu nhập thấp...

Kết luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 16/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một loạt giải pháp trọng tâm đối với ngành công thương thời gian tới.

Trong đó, riêng về lĩnh vực xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản về an toàn an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào. "Phải có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn vấn đề này, đây là vấn đề bức thiết", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo ông, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đối với đời sống người dân cũng như kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung trong nước gặp khó khăn và căng thẳng địa chính trị trên thế giới thì vấn đề đảm bảo nguồn cung càng cần được lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội: Nếu giá xăng tăng cao, thêm công cụ khác hỗ trợ dân - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ xây dựng kịch bản về an toàn an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bất kỳ tình huống nào (Ảnh: Quốc Chính).

Đi sâu hơn từng vấn đề, người đứng đầu Quốc hội đề nghị đưa ra những giải pháp tổng thể căn cơ, kịp thời xử lý các vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo an ninh năng lượng ngay từ trong nước, đồng thời xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết các hợp đồng về kinh doanh đầu tư trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc phải nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng trong mọi tình huống. Hướng được đưa ra là tách bạch, rõ ràng giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối.

Về điều hành giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải bám sát diễn biến thị trường thế giới, đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên từ Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Khi giá mặt hàng này tăng cao, ông Vương Đình Huệ cho rằng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh thuế phí, yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt... cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc sử dụng quỹ bình ổn cần linh hoạt phù hợp, ổn định đời sống người dân, kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình các cơ quan Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường ngay tại kỳ họp này để tiến hành thực hiện được từ tháng 4.

Nếu giá tiếp tục diễn biến phức tạp thì theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài kết hợp sử dụng quỹ bình ổn và giảm thuế thì cần sử dụng công cụ khác để bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân, ví dụ như hỗ trợ cho các ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp. Việc này chúng ta đã có kinh nghiệm trong giai đoạn trước đây, khi giá lên cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc hao hụt trong bảo quản xăng dầu đang giảm đi vì hiện nay công nghệ tốt hơn, nên tỷ lệ này cần được xem xét lại.

"Về chu kỳ điều hành giá là 10 ngày, trong trường hợp cấp thiết có thể ngắn hơn theo quy định", ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá bất hợp lý, làm tốt việc quản lý thị trường, tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn buôn lậu ngay từ tuyến biên giới. 

Trước đó tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhận được 35 câu hỏi từ các đại biểu Quốc hội. Chiếm phần lớn trong số câu hỏi chất vấn chủ yếu liên quan tới vấn đề nguồn cung, sản xuất, cung ứng, quản lý, điều hành xăng dầu…

Trong nội dung trả lời chất vấn, ông Diên cho biết, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao, cần phải tiếp tục nghiên cứu đến các loại thuế và phí khác.

"Hết công cụ thuế, phí rồi vẫn không ổn nữa mà giá thế giới tăng cao thì giá mình cũng không thể không cao. Song để kìm được giá, có thể xem xét việc dùng quỹ an sinh, quỹ bình ổn, hỗ trợ từ ngân sách đối với những đối tượng hoặc hỗ trợ thuế với những doanh nghiệp sử dụng rất nhiều xăng dầu", Bộ trưởng Công Thương nêu quan điểm.

Cuối phiên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã khẳng định dứt khoát việc phải tự chủ, đẩy mạnh sản xuất xăng dầu trong nước, đảm bảo nguồn cung bằng mọi giá.

Theo thông tin từ lãnh đạo Chính phủ, PVN khẩn trương triển khai xây dựng nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu với công suất 10 triệu m3. Hiện PVN đã triển khai gấp rút để trong 10 tháng xong phần thủ tục đầu tư.

Ngoài ra lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết sẽ tăng thêm khai thác dầu thô phục vụ sản xuất. Hiện nay chúng ta mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất, vẫn còn một số bất cập trong điều hành hợp đồng khoan thăm dò. Do vậy, Phó Thủ tướng cho biết đã làm việc với PVN để điều chỉnh cơ chế chính sách, làm sao để khoan được dầu phục vụ sản xuất, không xuất khẩu.