1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng: "Giá LPB giảm phiên chào sàn cũng là bình thường...!"

(Dân trí) - "Thực tế thì giá cổ phiếu của LienVietPostBank đã tăng rất nhanh kể từ đầu năm, vào khoảng 50% tính đến nay. Cho nên mức giảm hay sự điều chỉnh qua phiên giao dịch đầu tiên ở thị trường tập trung một cách chính thức này cũng là bình thường...", Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng phân tích.

Ngày 5/10, cổ phiếu LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chính thức chào sàn UPCoM. Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đã có cuộc trao đổi với Dân trí xoay quanh sự kiện này.


Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng

Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng

Giá cổ phiếu sẽ do thị trường quyết định

Thưa ông, giá cổ phiếu LPB giảm đáng kể qua phiên chào sàn. Ông thấy kết quả khởi đầu này như thế nào?

Như tôi đã nói tại buổi lễ chào sàn, giá cổ phiếu LPB đi vào thị trường chứng khoán sẽ do thị trường quyết định, có lên và có xuống. Tôi có nhận định nếu tăng thì nhanh, xuống thì chậm. Thực tế thì giá cổ phiếu của LienVietPostBank đã tăng rất nhanh kể từ đầu năm, vào khoảng 50% tính đến nay. Cho nên mức giảm hay sự điều chỉnh qua phiên giao dịch đầu tiên ở thị trường tập trung một cách chính thức này cũng là bình thường, thị trường điều tiết, trong đó có hoạt động cụ thể hóa giá trị sau quá trình đầu tư.

Điều đáng nói ở đây là tôi phải gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến từng nhà đầu tư tham gia buổi chào sàn của LPB, vì bất cứ chuyên gia chứng khoán nào cũng choáng ngợp bởi khối lượng khổng lồ của một phiên giao dịch đầu tiên của một cổ phiếu chào sàn UPCoM như LPB. Tôi cũng xin cảm ơn từng người bán, từng người mua, cảm ơn các giao dịch viên sàn chứng khoán trên cả nước và đặc biệt là đơn vị tư vấn cho LPB lên sàn.

Với LPB, mục tiêu đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM là nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư trong giao dịch, tăng cường minh bạch trong hoạt động, cũng như mở đầu cho những kế hoạch mới của LienVietPostBank tới đây.

Vì sao LienVietPostBank lại chọn đưa cổ phiếu lên UPCoM thời điểm này, khi mà thị trường chứng khoán những tháng gần đây có dấu hiệu dòng tiền yếu đi?

Thị trường ở góc độ nào đó cũng như con người vậy. Có lúc mạnh mẽ, lúc sôi động, lúc nghỉ ngơi, lúc chọn lọc… Nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán khởi sắc, sôi động và nay có thể xem như một quãng nghỉ và chọn lọc.

Như ở LPB qua phiên chào sàn, tính chọn lọc cũng thể hiện rõ, dòng tiền vẫn tìm đến với quy mô giao dịch kỷ lục, trong đó thu hút sự quan tâm mua vào lượng lớn của nhà đầu tư nước ngoài.

Còn việc lên sàn UPCoM vào thời điểm này cũng là bước chuẩn bị cho kế hoạch chính thức niêm yết dự kiến vào đầu năm tới, sau khi LienVietPostBank lựa chọn xong nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp.

Có rất nhiều câu hỏi thắc mắc tại sao sàn UPCoM đang bão hòa cổ phiếu mà LPB lại không tránh thời điểm này, chờ thời điểm thích hợp hơn. Để nghiên cứu về thị trường thì nhiều yếu tố lắm, nhưng quan điểm của tôi là "muốn tìm được bạn tốt thì mình phải tốt!" và việc của mình cần thì phải làm. Vì có quá nhiều cổ phiếu đã lên sàn, đang lên sàn, thậm chí lên sàn cùng với thời điểm LPB, tôi cảm thấy hứng thú vô cùng vì "buôn có bạn, bán có phường". Điều này càng tạo cho các nhà đầu tư lựa chọn theo phương thức chọn vợ chọn chồng của ông bà ta là "trai khôn chọn vợ chợ đông, gái khôn tìm chồng ở chỗ ba quân".

“LienVietPostBank đã sẵn sàng vươn mình”

Vậy việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đưa cổ phiếu lên niêm yết chính thức là những kế hoạch mới mà ông nói tới?

Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chúng tôi đang triển khai, nhiều tổ chức cũng đã đến tìm hiểu và làm việc cụ thể. Lộ trình, các bước và kết quả sẽ được công bố theo quy định, cũng như theo điều khoản giữa các bên.

Qua tiếp xúc và đàm phán với một số tổ chức, họ đánh giá cao tiềm năng của LienVietPostBank, đặc biệt ở mạng lưới chi nhánh đã phủ sóng toàn quốc, cùng hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện đang từng bước khai thác, mà trước mắt đến năm 2019 sẽ có hơn 700 phòng giao dịch cấp huyện. Đây cũng là thế mạnh để phát triển chiến lược ngân hàng bán lẻ, một số tổ chức quốc tế mong muốn cùng đầu tư với giá trị phổ cập dịch vụ tài chính ngân hàng tới từng phường, xã và gắn với hoạt động cộng đồng mạnh, riêng có của ngân hàng.

Còn với LienVietPostBank, mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có kinh nghiệm và năng lực thực tế trong hợp tác, cùng thúc đẩy ngân hàng nhanh chóng thành công trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phát triển ngân hàng kỹ thuật số, đưa ngân hàng vào top đầu ngân hàng hiện đại trên thế giới.


Phát biểu trong ngày đầu chào sàn, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, khi cổ phiếu lên sàn sẽ chịu quy luật chung của quy luật kinh doanh là có lên có xuống, nhưng ông kỳ vọng sẽ lên nhanh và xuống chậm.

Phát biểu trong ngày đầu chào sàn, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, khi cổ phiếu lên sàn sẽ chịu quy luật chung của quy luật kinh doanh là có lên có xuống, nhưng ông kỳ vọng sẽ lên nhanh và xuống chậm.

Như vậy có thể nói LienVietPostBank đã chuẩn bị các kế hoạch để bước vào một giai đoạn phát triển mới sau gần 10 năm có mặt trên thị trường?

Đúng vậy. Tháng 3/2018, LienVietPostBank đánh dấu tròn 10 năm hoạt động. Đây sẽ là dấu mốc cho một giai đoạn mới mà ngân hàng đã sẵn sàng để vươn mình.

Cùng với việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong tháng 10 này, ngay sau khi đưa cổ phiếu LPB lên đăng ký giao dịch trên UPCoM, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu và cho cán bộ nhân viên, phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm.

Điểm chính trong kế hoạch phát hành cổ phiếu lần này là làm sao đảm bảo LienVietPostBank sẽ là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên mà tất cả các lãnh đạo cho đến mỗi nhân viên đều sở hữu cổ phần của ngân hàng mình. Chính sách này nhằm tạo điều kiện để tất cả mỗi thành viên trong hệ thống đều có trách nhiệm với “nồi cơm chung” là uy tín, hiệu quả hoạt động của ngân hàng, đều có ý thức bảo vệ thương hiệu chung LienVietPostBank. Tất cả đều là cổ đông thì đó cũng chính là trách nhiệm và lợi ích sát sườn của họ.

Cùng với kế hoạch phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong nước và việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài…, ngân hàng sẽ chủ động và không chịu nhiều áp lực trước yêu cầu tăng vốn cho phát triển, cạnh tranh những năm tới.

Nhưng sẽ thêm áp lực về đảm bảo hiệu quả hoạt động với quy mô vốn mới, quy mô hoạt động lớn hơn, thưa ông?

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm tới, cũng gần rồi, LienVietPostBank sẽ trình các kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể. Nhưng tại thời điểm này cũng có thể chủ động xác định trước được rồi.

Những năm gần đây, LienVietPostBank chịu áp lực khá lớn về chi phí đầu tư và vận hành. Việc lập mới nhiều chi nhánh để phủ sóng tất cả 63 tỉnh thành, đưa vào hoạt động hơn 1.000 điểm giao dịch bưu điện, đào tạo và chi phí nhân sự cho những điểm kinh doanh mới, cùng đó đầu tư mạnh cho nền tảng công nghệ mới… đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.

Nhưng từ 2017, nỗ lực đầu tư đó, cùng quyết tâm của toàn hệ thống đã thúc đẩy kết quả kinh doanh rõ rệt hơn. Năm nay kế hoạch 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 9 tháng đã hoàn thành 1.450 tỷ đồng. Năm 2018, với quy mô vốn mới, mở rộng hoạt động mà đặc biệt là đẩy nhanh hoạt động bán lẻ, các chỉ tiêu tăng trưởng cơ bản dự kiến ở mức tối thiểu 30%.

Còn với lợi ích cổ đông, liệu cổ phiếu có bị “pha loãng” với lộ trình tăng mạnh vốn nói trên không, thưa ông?

Những năm trước, một đặc điểm và cũng là văn hóa của LienVietPostBank được chúng tôi thực hiện ở quan điểm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Chúng tôi tạm ứng cổ tức cho cổ đông ngay cả khi năm tài chính đó chưa kết thúc. Điều này như một sự tri ân, gắn kết các cổ đông đã đồng hành cùng ngân hàng trong suốt quá trình hoạt động, vì họ là hậu phương của ngân hàng.

Để chi trả như vậy, tất nhiên ngân hàng đã chủ động trước tình hình và kết quả kinh doanh qua các quý trong năm. Việc chia cổ tức như trên những năm trước đây, rất sớm, có lẽ là ngân hàng duy nhất làm được điều đó, nhằm đảm bảo tối đa lợi ích cho cổ đông.

Tuy nhiên, những năm gần đây, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, việc chi trả và mức trả được xét duyệt trên cơ sở chốt lại kết quả kinh doanh mỗi năm. Cũng vì thế, năm 2016, với kết quả kinh doanh tốt hơn, LienVietPostBank đã quyết định nâng mức chi trả cổ tức từ 8% lên 10%.

Với triển vọng từ năm 2017, chúng tôi đặt mục tiêu tỷ lệ chi trả cổ tức những năm tới tối thiểu 12%/năm, phấn đấu để giá trị cổ đông nhận được phải cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm