Chủ tịch Ngân hàng Thế giới từ nhiệm

(Dân trí) - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Robert Zoellick, vừa cho biết sẽ từ nhiệm vào tháng 6 tới, kết thúc nhiệm kỳ 5 năm ở cương vị này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nằm trong số những ứng viên tiềm năng thay thế ông Zoellick.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới từ nhiệm - 1
Ông Robert Zoellick sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm giữ chức Chủ tịch WB.
 
Ông Zoellick đã đảm nhiệm chức Chủ tịch WB từ năm 2007 sau sự ra đi của người tiền nhiệm Paul Wolfowitz. Ông là người được Tổng thống Mỹ khi đó, George W. Bush, lựa chọn cho cương vị này.

 

Trước khi đứng đầu WB, ông Zoellick đã có thời gian giữ vai trò trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của nước này. Trong thời gian lãnh đạo WB, ông Zoellick đã tập trung hoạt động của định chế này vào việc hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất tập trung ở các khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông. Lượng vốn vay được WB cấp trong tài khóa 2010 đã tăng mạnh lên mức 44 tỷ USD từ mức 13,5 tỷ USD vào năm 2008.

 

Ngoài ra, ông Zoellick đã giành được sự phê chuẩn gia tăng nguồn quỹ của WB thêm 86,2 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên nguồn quỹ của định chế này gia tăng trong hơn 20 thập kỷ. Dưới thời Zoellick, tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu như Trung Quốc và Brazil trong WB cũng gia tăng. Nhờ đó, đóng góp ngân sách của các nước này vào WB cũng tăng cao hơn.

 

Bên cạnh đó, bất chấp những khó khăn về ngân sách ở các nước phát triển, ông Zoellick cũng đã vận động được các nước này cam kết tài trợ tổng số tiền hơn 90 tỷ USD để thành lập một quỹ riêng hỗ trợ các nước nghèo nhất.

 

Phát biểu trên Reuters, ông Zoellick cho biết, việc ông rời ghế Chủ tịch WB vào cuối tháng 6 này là quyết định của cá nhân và không chịu bất kỳ một áp lực nào từ phía Mỹ. Gần đây, xuất hiện một số tin đồn về việc ông Zoellick sẽ tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2012 với tư cách một ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nhưng ông đã phủ nhận những tin đồn này.

 

“Tôi chỉ quyết định mình sẽ làm gì tiếp theo sau khi đã rời khỏi WB”, ông nói.
 

Về vấn đề tìm người thay thế ông Zoellick, chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ mở một cuộc chạy đua cho các ứng viên từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chiếc ghế mà ông Zoellick để lại nhiều khả năng sẽ lại do một người Mỹ nắm giữ như truyền thống của WB.

 

Hãng Bloomberg cho biết, Tổng thống Barack Obama có thể đề cử cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Lawrence Summers cho cương vị này. Một gương mặt khác có khả năng đang được xem xét là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

 

Mấy năm gần đây, các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới liên tục gây sức ép với Mỹ và châu Âu nới lỏng quyền kiểm soát đối với hai ghế Chủ tịch WB và Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sau khi tuyên bố từ nhiệm của ông Zoellick được đưa ra, quan chức của các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil đã lên tiếng kêu gọi quá trình tìm kiếm người kế nhiệm ông Zoellick nên dựa trên năng lực thay vì quốc tịch.

 

Tuy nhiên, các quan chức này cũng thừa nhận rằng, với áp lực từ phía Quốc hội Mỹ trong vấn đề ngân sách của WB, vị trí Chủ tịch định chế này chắc vẫn sẽ thuộc về một người Mỹ. Nhiều nghị sỹ Mỹ cũng đã lên tiếng về việc chức vụ này cần tiếp tục do người Mỹ đảm nhiệm.
 
Phương Anh