1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ tịch Hiệp hội thép: Xuất hiện tín hiệu kéo giá thép chững lại

(Dân trí) - Trong hai ngày gần đây, giá quặng sắt đã bắt đầu hạ nhiệt, xuống dưới mức 200 USD/tấn. Theo Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, đây có thể là tín hiệu giá thép có thể bắt đầu chững lại.

Chủ tịch Hiệp hội thép: Xuất hiện tín hiệu kéo giá thép chững lại - 1

Hiệp hội thép Việt Nam ủng hộ khuyến khích xuất khẩu các loại thép thành phẩm.

Trao đổi với Dân trí, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) - cho biết, trong hai ngày gần đây, giá quặng sắt đã bắt đầu hạ nhiệt, xuống dưới mức 200 USD/tấn. Đây có thể là tín hiệu giá thép có thể bắt đầu chững lại. 

"Còn bao giờ giảm, mức giảm thế nào thì cũng chỉ là dự báo thôi, chỉ thị trường mới có câu trả lời chính xác", ông nói.

Tuy nhiên, giá sẽ giảm với tốc độ vừa phải, không giống như tăng mạnh/giảm lao dốc như giai đoạn 2008-2009. Giá thép giảm nhưng dần dần, có thể sẽ xác lập mặt bằng giá mới.

Nên khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phôi tạm thời hạn chế xuất khẩu

Trước việc giá thép tăng phi mã, Bộ Công Thương cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ kiểm soát xuất khẩu với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

- Trước diễn biến giá thép tăng liên tục trong thời gian qua gây tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, VSA đã có công văn số 27/2021/HHTVN gửi các doanh nghiệp thành viên đưa ra một số khuyến nghị cụ thể như phát huy tối đa công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, tiết giảm chi phí sản xuất.

Đồng thời, các doanh nghiệp được khuyến nghị tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô, bán thành phẩm (phôi thép) cho thị trường trong nước, bình ổn giá thép.

Chủ tịch Hiệp hội thép: Xuất hiện tín hiệu kéo giá thép chững lại - 2

Ông Nghiêm Xuân Đa kiến nghị các nhà sản xuất thép ưu tiên nguồn phôi thép để dùng cho sản xuất trong nước.

Quan điểm của Hiệp hội thép là ủng hộ khuyến khích xuất khẩu các loại thép thành phẩm. Với năng lực sản xuất các sản phẩm thép hiện nay (thép xây dựng, ống thép, thép tôn mạ, cuộn cán nguội), chúng ta hoàn toàn vừa có thể đáp ứng nhu cầu sản phẩm thép trong nước và xuất khẩu.

Vấn đề chúng ta cần quan tâm xử lý là bán thành phẩm (phôi thép, thép cuộn cán nóng-HRC). Đối với thép cuộn nóng, hàng năm chúng ta vẫn phải nhập đến 60-65% nhu cầu trong nước.

Còn đối với phôi thép dùng cán thép xây dựng, chúng ta có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần.

Năm 2020, khẩu phôi thép khoảng 3 triệu tấn, còn trong 4 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu phôi thép đã đạt trên 1 triệu tấn, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phần nào đó giảm nguồn phôi thép cho các dây chuyền cán thép xây dựng trong nước, khi các nhà máy luyện chưa có khả năng phát huy hết công suất luyện.

Chính vì vậy, VSA đưa ra kiến nghị các nhà sản xuất thép ưu tiên nguồn phôi thép để dùng cho sản xuất trong nước và Chính phủ có cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phôi tạm thời hạn chế xuất khẩu, ưu tiên thị trường nội địa, góp phần hạn chế sự tăng giá thép xây dựng, góp phần bình ổn thị trường thép trong nước.

Thị trường không khan hiếm, mua bán bình thường

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tình hình xuất khẩu cũng như lượng thép cung cấp cho thị trường trong 4 tháng đầu năm 2020 - thời điểm giá thép tăng mạnh nhất?

- Số liệu thống kê cho thấy, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép 4 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với những nhận định trước đó. Cụ thể sản xuất thép các loại đạt hơn 10,4 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt hơn 9,4 triệu tấn, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Quý I/2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 2,92 triệu tấn, với trị giá đạt 2,043 tỷ USD, tăng 47% về lượng và 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020 và đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc…

Nhìn chung thị trường giá lên, nhu cầu cao, sản xuất cũng tăng. Vấn đề là thị trường cũng không khan hiếm các loại thép thành phẩm, cũng không phải găm hàng, cung cầu thị trường, mua bán vẫn diễn ra bình thường.

Tôi ủng hộ trong trường hợp cần thiết, Nhà nước cần dùng công cụ điều tiết thị trường. Tuy nhiên việc sử dụng công cụ gì, như thế nào thì cần hài hòa được quyền lợi/lợi ích của các bên liên quan, khách quan và bình đẳng.

Để làm được như thế không hề dễ, luôn tồn tại xung đột lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường. Doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận, họ luôn hành động theo tín hiệu của thị trường, bàn tay vô hình.

Nhà nước cần can thiệp khi xảy ra khuyết tật của thị trường, bằng những công cụ điều tiết thích hợp nhằm đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích, khuyến khích sản xuất cho các doanh nghiệp.

Bao giờ giá thép giảm?

Với thép xây dựng thì sao thưa ông, có cần kiềm chế xuất khẩu?

- Chúng ta đều rõ việc tăng giá thép xây dựng ảnh hưởng đến tiêu cực đến các nhà thầu xây dựng, giá thành nhà ở, dự án giao thông, các dự án đầu tư công… Vấn đề có nên kiềm chế xuất khẩu thép hay không thì như tôi đã nói ở trên rồi.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng giá thép tăng đột biến, không đúng quy luật thị trường. Ông nghĩ sao về biến động giá thép vừa qua?

- Giá thép tăng giảm, đó là vấn đề quan hệ cung cầu, thị trường. Quý I/2020, giá thép giảm, giữ ở mức thấp cho đến tận quý III, sau đó đến tháng 9 và 10 năm 2020 giá thép phục hồi. 

Việc tăng cao bắt đầu xuất hiện từ cuối quý IV/2020 cho đến nay, mức tăng phải vào 40-50%. Đây là tăng mạnh, liên tục và trong thời gian ngắn.

Chúng ta bất ngờ về sự tăng mạnh, tăng nhanh của nhiều hàng hóa, kim loại cơ bản chứ không chỉ là thép, nhưng không phải là sự bất thường, tăng có nguyên nhân xuất phát từ cung cầu thị trường. Thị trường thép toàn cầu đều chứng kiến đợt tăng giá mạnh này.

Giá thép trong nước tăng là do chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu sản xuất đều tăng. Từ quặng sắt, điện cực graphite, thép phế và nguyên vật liệu khác đều phụ thuộc vào thị trường thế giới. Thị trường thế giới tăng lên, chi phí sản xuất tăng lên thị trong nước, kéo theo giá thép thành phẩm tăng. Câu chuyện là thị trường.

Theo ông, khi nào thị trường thép hạ nhiệt?

- Trong hai ngày gần đây, giá quặng sắt đã bắt đầu hạ nhiệt. Giá quặng sắt bắt đầu xuống dưới mức 200 USD/tấn.

Đây có thể là tín hiệu giá thép có thể bắt đầu chững lại. Còn bao giờ giảm, mức giảm thế nào thì cũng chỉ là dự báo thôi, chỉ thị trường mới có câu trả lời chính xác.

Nhưng với thị trường năm nay thì chúng tôi cho rằng giá sẽ giảm với tốc độ vừa phải, không giống như tăng mạnh/giảm lao dốc như giai đoạn 2008-2009. Giá thép giảm nhưng dần dần, có thể sẽ xác lập mặt bằng giá mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm