Hà Tĩnh:

Chủ tịch HĐND tỉnh truy Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giá cát xây dựng

(Dân trí) - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn gay gắt chỉ ra một loạt yếu kém của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh này trong quy hoạch, cấp phép các mỏ không phù hợp; buông lỏng quản lí dẫn đến việc DN được cấp phép nhưng không khai thác, đi khai thác lậu đem bán. Hậu quả là dân lãnh đủ khi giá vật liệu xây dựng đất, cát tăng đến 2-3 lần.

Cấp mỏ cát chỉ đáp ứng 3,5% nhu cầu, dân than trời

Một trong những nội dung làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 17 diễn ra hôm qua (16/7) là vấn đề giá đất, cát xây dựng tăng từ 2-3 lần làm đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thêm bội phần khó khăn.

Cụ thể, người dân phải chật vật tìm cát, đất, thậm chí phải dừng xây dựng nhà cửa vì giá cao, dẫn đến những bất ổn trong cuộc sống. Trong khi đó, ngoài việc đội giá lên 15 - 20% giá trị dự toán ban đầu, rất nhiều địa phương không tìm mua được cát để khởi công, khiến chỉ tiêu kế hoạch mở rộng đường giao thông "dẫm chân tại chỗ"…

Chủ tịch HĐND tỉnh truy Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giá cát xây dựng - 1

Giá cát xây dựng tại Hà Tĩnh hiện tăng gấp hơn 2 lần so đầu năm.

Đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu về thực trạng nêu trên, ông Hồ Huy Thành, Giám đốc Sở TNMT thừa nhận, thời gian vừa qua tình trạng mất cân đối cung - cầu vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh là đúng như phản ánh của người dân, đại biểu dự kỳ họp đề cập.

Ông Thành nêu nguyên nhân là do việc cấp phép chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép hoạt động; sự thay đổi quy hoạch kinh tế-xã hội thời gian qua; ảnh hưởng của các công trình xây dựng mới, dày đặc.

Chủ tịch HĐND tỉnh truy Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giá cát xây dựng - 2

Ông Hồ Huy Thành

“Sở TN-MT, Công an tỉnh, các địa phương siết chặt hoạt động khai thác VLXD trái phép cũng là một tác nhân gây nên hệ lụy nguồn cung giảm. Hiện gần 95% đơn vị khai thác cát đang tạm dừng hoạt động để thay đổi phương án khai thác, điều chỉnh, bổ sung các trang thiết bị khai thác mới”, ông Thành nêu tiếp nguyên nhân.

Về giải pháp hạ nhiệt giá VLXD đất, cát sắp tới, vị Giám đốc Sở cho hay, sắp tới tỉnh tiếp tục tổ chức đấu giá các mỏ nằm trong quy hoạch; hoàn thành bổ sung quy hoạch 21 mỏ đất san lấp; 2 mỏ cát tại các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên và ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác VLXD trái phép.

Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Hà Tĩnh triển khai cấp phép cho 13 mỏ đất san lấp với diện tích 116ha, tổng công suất 1,3 triệu tấn/năm; cấp 10 mỏ cát, diện tích 27ha với tổng công suất 103 ngàn m3/năm.

Ngoài sử dụng cát ở các mỏ được cấp phép, người dân còn sử dụng nguồn VLXD từ các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình. Theo quy hoạch mỏ VLXD trên địa bàn, dự báo năm 2020 toàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 cát/năm và 4 triệu m3 đất san lấp/năm.

Như vậy việc cấp phép thời gian qua đối với cát xây dựng mới chỉ đáp ứng được 3,5%; đất san lấp đáp ứng được 32% nhu cầu.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lí

Một đại biểu chỉ ra việc yếu kém của Sở TNMT tỉnh trong việc đánh giá trữ lượng để cấp mỏ VLXD một số nơi chưa chính xác, dẫn đến thực trạng giấy phép còn nhưng trữ lượng không còn để khai thác hoặc ngược lại. Thực trạng này vừa gây khó cho doanh nghiệp, cũng là một trong những nguyên nhân khiến cát khan hiếm,  giá đội lên cao.

Chủ tịch HĐND tỉnh truy Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giá cát xây dựng - 3

ĐB Nguyễn Thị Nhuần đề nghị Giám đốc Sở TNMT nói rõ trách nhiệm của ngành khi để giá cả VLXD tăng cao.

Trả lời ý kiến này của đại biểu, ông Thành cho rằng: “Chúng tôi tin các phòng ban, lâu nay họ vẫn tham mưu như vậy, nên việc đánh giá trữ lượng không chính xác ít xảy ra. Có chăng chỉ có trường hợp quản lý, vận hành khai thác quá công suất”.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh- Chủ tọa kỳ họp  không đồng tình với các ý kiến trả lời không đi thẳng vào vấn đề của vị giám đốc sở TNMT, đồng thời thẳng thắn chỉ ra một loạt yếu kém, thậm chí là thiếu trách nhiệm của ngành TNMT khi để giá VLXD đất, cát tăng cao, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân.

Chủ tịch HĐND tỉnh truy Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về giá cát xây dựng - 4

Ông Lê Đình Sơn

3 yếu kém của ngành TNMT tỉnh này mà ông Lê Đình Sơn chỉ ra, bao gồm: Quy hoạch, cấp phép các mỏ đất, cát trong thời gian qua không phù hợp, dẫn đến cung không đủ cầu.

Tiếp đó là yếu kém, buông lỏng khâu quản lí để xảy ra tình trạng doanh nghiệp được cấp phép nhưng không khai thác, khai thác lại không đúng vị trí được cấp phép, có nghĩa là khai thác lậu đem bán.

“Khai thác ở nơi cần khai thác thì không khai thác, lại đi khai thác lậu, đã lậu thì không phải đóng góp gì cả, lợi nhuận cáo. Khi cơ quan chức năng, mà nhất là Công an tỉnh quyết liệt vào cuộc chặn cái nạn cát lậu này thì giá cát lên”- ông Sơn phân tích.

Và yếu kém cuối cùng là ngành TNMT đã không tham mưu kịp thời cho tỉnh giải pháp để xử lí vấn nạn khai thác đất, cát lậu.

“Công an đã làm việc rất hiệu quả trong việc truy bắt vấn nạn đất, cát lậu, nhưng phải nói đó không phải là việc chính của Công an. Vừa rồi phía Công an tỉnh có đề nghị tôi là ngành đã làm mấy tháng, nay xin giao chuyển lại nhiệm vụ, chỉ phối hợp truy bắt vấn nạn đất cát, tài nguyên lậu. Rất đúng, việc quản lí tài nguyên, khoáng sản là của chính quyền, không thể nhờ công an mãi, họ chỉ phối hợp thôi. Cái này nhẽ ra Sở TNMT phải tham mưu cho UBND tỉnh để xử lí dứt điểm”- ông Sơn nói.

Ông Sơn gay gắt: “Để vấn nạn đất, cát lậu xảy ra để lại nhiều hậu quả, mất rất nhiều chuyện: Tài sản mất, làm hư cả một bộ phận cán bộ, môi trường không quản lí được, rồi thất thoát cả ngân sách. Và suy cho cùng dân vẫn tội, trăm khó đổ xuống đầu dân cả”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh đặt câu hỏi với GĐ Sở TNMT: “Liệu có làm (các giải pháp để giảm giá VLXD đất, cát-PV ) được không?

Câu hỏi này chưa được “thuyền trưởng” ngành TNMT tỉnh trả lời sau các giải pháp chung chung đã nêu trước đó.

Văn Dũng-Tiến Hiệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm