Chủ tịch Eximbank: "Phải chấp nhận sống chung với ... tin đồn"
(Dân trí) - “Chúng ta sống trong một thế giới đa chiều thông tin nên phải chấp nhận tin đồn. Nói như các cụ nhà ta là phải “sống chung với lũ” thôi. Tôi nghĩ điều này là bình thường trong cuộc sống, trong xã hội hiện đại ngày nay”, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank nói.
Mấy ngày qua, tin đồn ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bị bắt cùng với thông tin nhà băng này đang bị kiểm soát đặc biệt khiến giới tài chính rúng động.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Lê Hùng Dũng, nhân vật chính của tin đồn đã bác bỏ những “cáo buộc” trên.
Ông Lê Hùng Dũng bình thản đón nhận tin đồn
Có tin đồn ông bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ nhưng giờ đây, khi tôi nói chuyện với ông, nghĩa là ông vẫn bình thường. Người ta lại cho rằng sức khoẻ của ông hiện nay “không bình thường”, ông nghĩ sao?
Việc tin đồn thì chúng ta phải sống chung, phải chịu thôi. Tình hình sức khoẻ của tôi hiện nay bình thường, thế thôi. Hoạt động ngân hàng thì đã có thông cáo báo chí rồi. Hiện ngân hàng đang có đợt chấn chỉnh củng cố, như vậy thì có kiểm tra, thanh tra. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước vào thanh tra Eximbank cho nên khi thấy Ngân hàng DongA Bank bị thanh tra và sau đó được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nên có thể đó là nguyên nhân dẫn đến tin đồn Eximbank bị kiểm soát đặc biệt.
Các chỉ số an toàn tôi kiểm tra hàng ngày đều đạt tốt. Hoạt động của Eximbank tôi nghĩ vẫn bình thường.
Vừa rồi, ông trượt ngã có bị sao không?
Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: “Không có vấn đề gì”.
Những tin đồn các ngày qua cho rằng Eximbank bị kiểm soát đặc biệt còn cá nhân ông thì bị bắt. Ông cảm thấy thế nào?
Những tin đồn, liên quan đến cá nhân nào thì chỉ cá nhân đó mới biết rõ nhất. Chúng ta chấp nhận tin đồn trong thời đại ngày nay. Chỉ có điều, về tính chính xác những tin đồn thì cần kiểm tra lại. Tôi thì vẫn lên ngân hàng bình thường.
Là người điều hành ngân hàng và cả nền bóng đá nước nhà, ông thấy tin đồn đó có gây bất lợi cho ông và tổ chức mình đang điều hành không?
Tôi nghĩ bất lợi cho Eximbank hay không thì cũng khó nói cảm tính được mà phải trên cơ sở các chỉ số hoạt động. Chúng tôi kiểm tra thường xuyên các chỉ số hoạt động thì nó vẫn giống như thời gian trước thôi.
Ảnh hưởng hay không ảnh hưởng thì rất trừu tượng. Tôi chỉ nắm trên các con số. Cuối buổi sáng, cuối buổi tối, anh em báo cáo, tôi thấy con số vẫn bình thường.
Công việc điều hành ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) của ông hiện nay ra sao?
Công việc bóng đá về nguyên tắc là thường trực được ban chấp hành giao giải quyết các công việc giữa 2 kỳ họp ban chấp hành, thường trực họp khi có nhu cầu triển khai các chủ trương định hướng lớn, đề ra giải pháp thực hiện trên cơ sở đó giao cho ban Tổng Thư ký chuyên trách điều hành. Khi có các cuộc họp quan trọng thì thường trực tham gia, cần thiết thì có ý kiến thông tin bằng văn bản, bằng điện thoại trao đổi nhau.
Cơ chế VFF giống như các tổ chức liên đoàn khác. Bộ máy lãnh đạo ở trên ra định hướng, các giải pháp lớn và giao cho Ban Thư ký - bộ máy chuyên trách thực hiện. Hiện VFF vẫn hoạt động tốt.
Tình yêu bóng đá, nhiệt huyết dành cho thế hệ cầu thủ trẻ để đưa nền bóng đá nước nhà phát triển có thể bị thui chột bởi những ảnh hưởng của sức khoẻ, những tin đồn. Có khi nào ông cảm thấy mệt mỏi?
Dĩ nhiên, chắc ít nhiều cũng có một vài ảnh hưởng nhỏ. Nhưng như tôi đã nói, chúng ta sống trong một thế giới đa chiều thông tin nên chúng ta phải chấp nhận. Nói như các cụ nhà ta là phải chấp nhận “sống chung với lũ” thôi. Tôi nghĩ điều này là hết sức bình thường trong cuộc sống, trong xã hội.
Có cổ đông nói rằng, ông mê bóng đá mà bỏ quên ngân hàng?
Cũng không phải như vậy. Như tôi nói, ban HĐQT ngân hàng giống như bên VFF. HĐQT điều hành chung, ra nghị quyết và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết. Còn ban Tổng Giám đốc là bộ máy chuyên trách thay mặt HĐQT điều hành công việc hàng ngày. Không phải lúc nào HĐQT cũng dành 100% thời gian giống như bộ máy của ban điều hành được.
Ông từng nói từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank, có phải vì mệt mỏi hay vì kết quả kinh doanh?
Vừa rồi tôi không ứng cử nhiệm kỳ tới vì tôi nghĩ mình nên tập trung vào một công việc nó tốt hơn, chứ bây giờ tuổi cũng đã 60 rồi, để vị trí này cho những anh em trẻ, có năng lực giỏi, có trình độ hơn làm. Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường.
Nếu rời ghế HĐQT Eximbank, ông sẽ làm việc gì, hay dừng cuộc chơi?
Đời thiếu gì công việc để làm, sẽ có nhiều việc thôi, như bóng đá chẳng hạn.
Nghĩa là ông vẫn tiếp tục dành tâm huyết cho nền bóng đá?
Vâng!
Tâm huyết và hành động cụ thể của ông như thế nào để nền Bóng đá Việt Nam phát triển hơn?
Bóng đá là bộ môn thể thao được đại bộ phận người dân Việt Nam yêu thích. Số lượng người say mê bóng đá lớn. Chúng ta chưa thống kê được con số chính xác là bao nhiêu nhưng cũng phải nói là hoạt động bóng đá thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội. Tôi nghĩ rằng điều quan tâm đó là biểu hiện của đất nước muốn trình độ dân tộc theo kịp trình độ của các nước, trong đó có bóng đá.
Muốn xây dựng nền bóng đá đáp ứng được kỳ vọng thì trước hết phải có chất lượng cao. Muốn là thế thôi, còn làm được hay không là một quá trình. Đây là một núi công việc không hề đơn giản và cần có nhiều thời gian chứ không chỉ muốn là được ngay. Để làm một việc thành công mỹ mãn thì có 2 yếu tố quyết định nhất, then chốt nhất đó là: tài chính và nguồn nhân lực có chất lượng cao. Bóng đá chúng ta hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ 2 điều kiện này.
Bóng đá mình mới bước vào chuyên nghiệp trong thời gian gần đây thôi, trong khi các nước thì họ đã đi trước mình khá lâu và có nền kinh tế phát triển nên tiềm lực họ rất lớn so với mình. Còn chúng ta thì dựa vào nguồn vốn xã hội hoá. Nguồn vốn đó nằm trong các câu lạc bộ là chính nhưng nói thật là cũng phải “giật gấu vá vai” từng năm một chứ không dư dả, rủng rỉnh tiền nong gì! Nguồn lực như thế mà muốn phát triển nhanh, chất lượng mới lạ.
Công tác đào tạo trong bóng đá như đào tạo sinh viên vậy. Muốn đào tạo sinh viên ra trường thì chúng ta cũng phải bắt đầu từ những em vào học lớp 1, học hết lớp 12 rồi sau đó vào đại học 4 năm.
Tôi nghĩ rằng, muốn phát triển nền bóng đá thì phải có thời gian, không thể nóng vội được.
Khi rời ngân hàng, ông muốn dành trọn quãng đời còn lại của mình cho nền bóng đá?
Đó là một phần. Cũng phải làm nhiều việc khác nữa chứ.
Gia đình có chia sẻ gì về những tin đồn như ông nhận hối lộ ở VFF và bị bắt không?
Gia đình là một cộng đồng thống nhất với nhau thì phải chia sẻ thôi.
Xin cảm ơn ông!
Công Quang (thực hiện)